BÌNH CHỌN

BÌNH CHỌN SÁNG TÁC NHỚ CHỌN BÀI ĐĂNG CŨ HƠN và BÌNH THEO CÁC MỨC Hay , Khá, Trung bình, Dở

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

KHI GIA ĐÌNH LÀ NỖI SỢ

  • Phan Nguyễn Trà Giang
(Bài đạt giải Nhất cuộc thi NHÀ BÁO VỚI TRẺ EM VIỆT NAM 2006 - 2007)
Gia đình là tế bào của xã hội, là điểm tựa tinh thần của mỗi thành viên và là môi trường tốt nhất để hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. Khái niệm ấy có lẽ chúng ta đã nghe quá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều đến nỗi người ta phải cất lên tiếng than muôn thuở: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Vâng thì “Biết rồi,…” nhưng trên thực tế hiện nay có rất nhiều gia đình tồn tại không còn đúng nghĩa của hai tiếng thiêng liêng ấy, nghĩa là: bố một nơi, mẹ một ngả, con cái muốn làm gì thì làm… những gia đình kiểu này vô hình trung gieo vào lòng những đứa con vô tội những nỗi sợ, những vết cứa tinh thần mà không gì có thể bù đắp được.


Tôi muốn bắt đầu bài viết của mình bằng câu chuyện của Võ Văn B - một học sinh lớp 10 trường Lê Quý Đôn – Bình Định. Mùa hè, trường được nghỉ học hơn một tháng, đó là quãng thời gian lý tưởng để các bạn học sinh ở huyện xuống thành phố trọ học được về nhà nghỉ ngơi, vui vẻ cùng gia đình. Thế nhưng, B thì khác. Thời gian cậu ở nhà đâu khoảng dăm ba ngày, còn lại cậu dành hết thời gian của mình cho khu nội trú của trường – nơi mà cậu bảo: “Đấy mới là nhà của mình”. Khi tôi hỏi: “Hè mà sao B không về nhà? Về nhà có sướng hơn không? Có ba, có mẹ, có…”. B chợt ngắt lời tôi: “Thôi! Đừng kể nữa! Mình không thích về nhà vậy thôi!”. Tôi tò mò: “Chỉ đơn giản thế thôi sao?”. Ngập ngừng một hồi lâu, B mới thì thầm kể: “Không, không phải là mình không thích về nhà mà là mình thấy sợ, nói đúng hơn là mình chán gia đình mình lắm rồi. Mỗi lần về toàn nghe ba mẹ cãi nhau thôi!”. Ra vậy, B nói tiếp: “Hồi mới vào lớp 10, một tuần mình về nhà một lần, tại nhớ nhà quá mà”, B cười hiền giải thích thêm, “nhưng cũng trong năm đó, ba mình bị mất việc. Ông buồn nên ngày nào cũng uống rượu rồi trở thành con sâu rượu từ khi nào mình cũng chẳng nhớ, chỉ biết “rượu vào thì lời ra”, ba mình chửi bới om sòm, có khi còn đánh cả mẹ và em mình nữa. Nhìn cảnh ấy mình thấy chán rồi đâm ra sợ. Mình cũng muốn về nhà lắm chứ, nhưng cứ nghĩ đến cảnh mẹ vừa khóc, vừa thu dọn chén bát vỡ, còn thằng em thì nép vào cảnh cửa chẳng nói chẳng rằng, mình thật sự buồn. Sau này mình không về nhà thường xuyên nữa. Với mình, về nhà chỉ đồng nghĩa với việc xin thêm tiền để ăn uống, chi tiêu thôi”. Nói đến đây, B đâm ra lung túng, cười gượng gạo. Tôi cũng không hỏi gì thêm, chỉ thấy lòng chất chứa ngổn ngang trăm mối suy nghĩ.

Khu nội trú của trường trong những ngày hè không chỉ có mỗi mình B mà còn có một số người cũng cùng chung hoàn cảnh như vậy. Với D là nỗi buồn khi ba mẹ chia tay nhau; với K là nỗi buồn khi không được ba mẹ quan tâm, chăm sóc cho dù nhà K rất giàu; song khi được hỏi tại sao các ấy không về thăm nhà?”, tất cả đều chung một câu trả lời: “Sợ”. Sợ những bữa cơm không có người nấu nướng, sợ thái độ thờ ơ khi cha mẹ mải mê lao vào vòng xoáy của đồng tiền, hay sợ tiếng cãi vã lẫn nhau của các bậc sinh thành đáng kính? “Có lẽ là cả ba” – B bảo với tôi như thế.

Khi gia đình trở thành nỗi sợ thì vai trò của gia đình đối với mỗi cá nhân dường như không còn nữa. Nó trở thành nỗi ám ảnh trong suy nghĩ vừa chợt lớn của những đứa trẻ vị thành niên. Nếu gia đình là nơi để bạn khoe những thành công, là bến bờ bình yên để bạn quay về mỗi khi vấp ngã, là điểm tựa để tình yêu thương trong bạn lớn lên từng ngày; thì với B, với K, D những thành công mà họ gặt hái được trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia và cả Olympic truyền thống 30-4 toàn miền Nam nữa cũng chẳng biết để làm gì, để khoe với ai khi gia đình đã trở thành một cái gì đó xa lạ lắm trong kí ức của mỗi người.

Khi đặt bút viết bài này, tôi bỗng cảm thấy mình còn may mắn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Tôi còn có mái ấm để quay về mỗi khi buồn nhất, tôi còn có vòng tay yêu thương của ba mẹ vỗ về, an ủi khi tôi khóc vì gặp thất bại, và tôi còn có những ánh mắt biết nói, biết tự hào của những người thân trong gia đình dành cho tôi khi đạt được một thành công nho nhỏ.

Cuộc sống mỗi ngày càng hiện đại, con người của thế kỉ XXI dường như sống gấp gáp hơn, vội vã hơn. Gia đình trong suy nghĩ của một số người lớn chỉ dừng lại ở nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, ở trách nhiệm giữa người này với người khác, mà vô tình quên đi còn có một thứ quan trọng hơn tất cả, đó là tình yêu thương giữa những người thân trong gia đình. Tiền bạc có thể đầy rồi vơi, nhưng tình yêu mà mỗi cá nhân trong gia đình dành cho nhau “chẳng hề hư mất bao giờ”. Một lời nhắn nhủ nhỏ nhoi mà tôi muốn gửi đến các bậc làm cha làm mẹ: đừng để gia đình trở thành nỗi sợ trong tâm trí các con, đừng biến gia đình thành một thứ ác mộng trong tâm hồn con trẻ, hãy để gia đình tồn tại theo đúng nghĩa của nó; mãi mãi là những ngọn nến lung linh trong cuộc đời của mỗi con người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét