BÌNH CHỌN

BÌNH CHỌN SÁNG TÁC NHỚ CHỌN BÀI ĐĂNG CŨ HƠN và BÌNH THEO CÁC MỨC Hay , Khá, Trung bình, Dở

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Tuyển thơ chuyên Anh khóa 4

Bay bay bụi phấn - thơ: Tiểu Quỳnh

Thơ Phương Giang - Cổ tích mười bảy

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

TUYỂN THƠ KHOÁ 1 VÀ 2

Khoá 1 (2000 - 2002) và khoá 2 (2000 - 2003) có nhiều gương mặt xuất sắc dã góp vào thành công buổi đầu của trường. BBT xin giới thiệu những sáng tác đã đạt giải trong cuộc thi đầu tiên và được đăng trên Tạp chí VĂN NGHỆ BÌNH ĐỊNH của các học sinh:
1. Nguyễn Như Tâm Bình - Toán khoá 1
2. Lê Hồ Nghiệm - Hoá khoá 2
3. Nguyễn Thị Sao Ly - Văn khoá 2

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Tản văn Lê Minh Kha

Những bài viết tản mạn về Quy Nhơn của Supermod Soriento - Lê Minh Kha - học sinh khoá 1 lớp chuyên Văn Anh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định.

QUY NHƠN CHIỀU NẮNG GIÓ

Một chiều dạo quanh thành phố, lòng ngập tràn những tia nắng dịu dàng của buổi chiều xuân. Gió mơn man trên khuôn mặt, phả vào trong không gian cái đượm nồng biển cả. Này là ngọn gió như gọi về từ khơi xa, này là chút tình của núi " Gởi gió cho mây ngàn bay" cũng đang lẩn quất đâu đây... Nắng và gió làm xinh thêm đôi má hồng con gái. Làn tóc rối nhẹ bay trong ánh chiều, mang theo bao nhiêu yêu thương. Thời gian có vô tình quanh cây cỏ úa để chiều nay đánh thức dậy trong tâm khảm người dừng xe bên vệ đường chút hoài niệm ngày xưa !
Quê hương mình thật đẹp, có cả sông núi biển hồ. Cảnh không thật diễm lệ nhưng nào kém vẻ thanh tao, sơn thuỷ hữu tình. Bạn có bao giờ đứng trên đồi Ghềnh Ráng nhìn về Quy Nhơn, lắng nghe tiếng thành phố thở, cảm nhận Quy Nhơn phố lưỡi liềm ánh trăng ? Có bao giờ bạn để hồn mình phiêu diêu trong ánh hoàng hôn bên biển chiều hay thả mình đắm say trong ánh lung linh những đêm hôm lên đèn trên phố người đông.
Lang thang vào diễn đàn quynhoncity bắt gặp biết bao tâm tình. Ừ thì cũng có thật nhiều người yêu Quy Nhơn phố biển, Quy Nhơn chiều nắng gió như mình hôm nay... Vậy mà có lúc mình đã nghĩ đến chuyện bỏ nơi này để đi thật xa, gửi hồn quên giữa một phương trời nào đó. Mình bỗng giận mình vì những điều ngớ ngẩn, sao nỡ nhẫn lòng rời bỏ phố biển thân thương (!?)
Rồi sớm mai kia thức dậy, mình sẽ cảm ơn biết bao những buổi chiều Quy Nhơn. Cho mình chút lặng im tìm lại những chiều bé thơ hạnh phúc, cho mình chậm lại bánh xe đời vốn nhiều khi vội vàng, tất bật, cho mình được là mình bên gia đình và những người thân thương.
"Sẽ còn bao nhiêu buổi chiều như hôm nay hở anh ?", cô bạn gái vẫn thường cùng mình dạo phố lên tiếng hỏi. " À, sẽ còn mãi em à!Cho đến khi chúng ta nằm lại nơi đây, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào từ ngàn xưa vỗ lại, những chiều như hôm nay vẫn còn mãi nơi này !".

L.M.K

Tour Quy Nhơn của tôi

Có lẽ mỗi người Quy Nhơn đều có riêng một Quy Nhơn cho mình. Tôi cũng vậy. Tôi có một Quy Nhơn của riêng tôi. Mảnh đất của thi ca và trầm tích văn hoá, mảnh đất của an bình lẫn những tiềm năng kinh tế đang dần dần được định hình từ những nhịp cầu sắp "nối những bờ vui".

Tour Quy Nhơn của tôi có quán Chè nhớ ở đường Ngô Mây. Bạn bè nói đùa - "Ô hay, ăn chè nhớ để quên ư!". Cũng có thể như thế đấy. Để quên đi những muộn phiền, những lo toan tất bật trong cuộc sống và nhớ thật nhiều mảnh đất Quy Nhơn xinh đẹp, con người Quy Nhơn ân tình, hiếu khách. Chén chè thơm, ly chè nhỏ ấy đã níu hồn bao thiếu nữ, khiến nhiều gã trai sinh viên phương xa cắm rễ ở đất này.

Tour Quy Nhơn của tôi có quán bánh xèo Cây Me, quán lagu ở con hẻm ốm tong teo ở đường Nguyễn Huệ; chút mặn mà, ân tình của biển gói gọn trong tô bún sứa đường Lê Hồng Phong hay miếng chả cá "gợi thương gợi nhớ" dễ tìm ở một góc phố thân quen nào đó. Xin bạn đừng lo lắng cho túi tiền của mình. Hãy yên lòng, quà Quy Nhơn không làm nó còm cõi tý nào đâu.

Nào, ta hãy để lòng mình thư thả, lại tìm về tình khúc Trịnh với quán Thu Vàng trên đường Ỷ Lan, quán Nhạc Trịnh ở đường Đống Đa... Về Quy Nhơn, bạn sẽ đi trong bình yên. Không có nhiều thành phố mà ở đó bạn có thể khoác hững hờ túi xách trên vai, quẳng chiếc ví đầm vào rổ xe máy. Bạn có thể tản bộ trên đường Nguyễn Tất Thành tận hưởng không khí trong lành từ phía biển ùa về. Ôi, Quy Nhơn hiền lành của tôi.

Tour Quy Nhơn của tôi có những chiều ra biển, chân trần và những bờ cát trắng, những mép sóng lăn tăn. Những đêm trăng đẹp, lên đồi Thi nhân, nhìn ánh trăng lai láng trên từng nhành cây, ngách đá, tưởng như câu thơ Hàn vẫn còn văng vẳng đâu đây " A ha ! Ta đuổi theo trăng/ Ta đuổi theo trăng.../ Trăng bay lả tả ngã trên cành vàng". Và đây, Quy Nhơn hiện lên trong tôi với một không gian trữ tình, gợi nhiều hoài cảm của Tháp Đôi - Cầu Đôi : " Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi/ Vật vô tri còn thế huống chi tôi với mình", với cánh diều no gió vui bước chân thơ ở bãi cỏ xanh gần Trung tâm thương mại...

Bạn thân mến, tour Quy Nhơn của tôi sẽ còn chạy dọc theo tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu, ra các ghềnh đá câu cá dìa cũng là một cái thú. Và không gì tuyệt vời bằng ngắm Quy Nhơn về đêm rực rỡ ánh đèn từ trên cao. Phố khoác xiêm áo lộng lẫy, phố linh lung ánh sáng, phố của Trịnh Công Sơn biển nhớ gọi về và những "mắt đêm đèn vàng".

Tour Quy Nhơn của tôi sẽ trở về để dừng lại trường Đại học Quy Nhơn. Ngôi trường khang trang, mặt hướng về biển với cảnh quan thoáng mát, hữu tình. Từ ngôi trường này, biết bao thế hệ sinh viên đã trưởng thành. Rất nhiều người đã ước mình là sinh viên Quy Nhơn, được học ở Quy Nhơn để có thể cảm nhận nhiều hơn về một phố biển đẹp xinh, an bình và hiếu khách...
Trong tour Quy Nhơn của tôi, mỗi con đường, mỗi góc phố là một bài thơ nhẹ như chiếc lá rơi nghiêng, ấm một hơi thở nồng nàn, chút muối mặn trên đầu lưỡi, trong vắt những ánh mắt thiếu nữ. Tour Quy Nhơn của tôi là như vậy đó, mời bạn về với Quy Nhơn của tôi.

Soriento - ddhsonline.com

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Tuyển thơ 2004 - 2005 (Hóa Khóa 5)

LỜI CỦA MẸ

Ngắm nhìn hoa phượng đỏ

Mẹ lại vấn vương một thời đến lớp

Thời làm bạn với sách vở, bảng đen

Với giáo án trên tay đến lớp ngày ngày

Đã qua rồi những năm tháng ấy

Năm tháng yêu thương , năm tháng tuổi học trò

Và mẹ bắt gặp bóng dáng của mình thấp thoáng trong con.

Mẹ mong con trân trọng những ngày còn cắp sách

Đầy ắp kỉ niệm vui buồn , những xao xuyến bâng khuâng

Cùng học , cùng chơi bên những người bạn chân thành

Rồi ngày tháng sẽ qua đi

Con sẽ giã từ màu áo trắng.

Nghĩ gì con yêu ! Cho những ngày sắp tới

Hãy cố học đi , thời gian chẳng đợi chờ

Kiến thức là hành trang khi bước vào đời đầy gian khó

Khi con từ giã mái trường , rời vòng tay mẹ thân yêu

Con sẽ bay cao, bay xa …

Cho tương lai đang rộng mở …

Võ Thị Quỳnh Giang .

NỢ

Tôi nợ quê hương bước chân trần trên cát,

Nuôi lớn từng ngày – bãi biển thân thương.

Tôi nợ mẹ cha giấc ngủ yên lành,

Đêm trăn trở bao âu lo phiền muộn.

Cha mẹ bạc đầu – Có phải nhuốm hơi sương ?

Tôi nợ thầy cô ngày hai buổi đến trường

Trang giáo án – lòng thầy cô ấp ủ

Như chuyến đò chở nặng những ước mơ.

Tôi nợ chính mình ơi giấc mơ tuổi trẻ

Vẫn nặng lòng bao kỳ vọng tương lai

Để ngày mai giấc mơ là hiện thực.

NGUYỄN THỊ THANH TRÀ.

Tuyển sáng tác 2004 - 2005 (Khoá 4)

NHỚ MẸ

Còn gì bằng con nhớ mẹ đêm nay

Khi ngoài kia…

Gió rì rào kẻ lá

Bước chân ai ngoài hành lang vội vã

Như dáng mẹ về ấm lại cảnh khuya

Con ra đi ngày ấy buổi trưa

Mẹ lặt vội nắm rau xanh

Buổi cơm vui, nhìn con ăn lần cuối

Hôm con đi bờ tre gió thổi

Mẹ hút mình… xa mãi

Tôi trở về thầm lặng tháng năm…

Giờ ngồi đây, nơi phương ấy xa xăm

Con nhớ quá, một vùng quê bé nhỏ

Dáng mẹ gầy đâu đó

In hằn lên trang vở nơi con

Nguyễn Văn Huynh - 12 chuyên Sinh

CHÚT CẢM XÚC KHÔNG TÊN

Tôi bỗng sợ ngày mai tôi lớn

Tuổi học trò cắp sách còn đâu

Bạn tôi lúc đó còn ai nhỉ

Nỗi buồn nào chợt vướng mắt thơ ngây

Tôi bỗng sợ ngày mai tôi lớn !

Đường học trò dài nắng… vắng thênh thang

Bạn bè tôi mỗi người một ngã

Chẳng được nhìn toe toét cãi nhau nghe

Bạn bè tôi cứ ngồi mơ tưởng

Tương lai như ông nọ bà kia

Chợt thấy dáng cô thầy mệt mỏi

Thầm nhắc lòng: “Thương quá cô ơi”

Lớp 12… chưa lớn thật bạn nhỉ ?

Còn nhiều mộng mơ trên con đường nhỏ

Bước chân tôi quan, còn văng vẳng giọng cười,

Gió xạc xào và áo trắng tung bay.

Ngày mai lớn trăm đường trăm ngả

Biết đường nào giống đường nhỏ năm xưa.

Có đấy, những gió còn vọng hỏi:

“Tan học rồi, sao áo trắng chưa sang?”…

Võ Thị Hoàng Trâm (12 Chuyên Hoá)

BÀI HỌC TỪ BÀI KIỂM TRA

Chúng tôi là những học sinh cuối cấp, đang gấp rút ôn thi nên đầu óc vô cùng căng thẳng. Cuối cấp, chúng tôi có rất nhiều việc phải làm, nhiều thứ để học. Thỉnh thoáng ai đó lại giật mình “Lớp 12 rồi cơ ? Nhanh thật !” rồi tặc lưỡi, lắc đầu. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, thời gian dần trôi đến những ngày hè…

Năm cuối nên chủ trương chung của lớp: không học đều nữa, chỉ “dần”: Toán, Lý, Hoá để thi đại học. Nghĩ cũng lạ, đến đứa năng nổ nhất cũng chẳng dám xung phong trả bài. Các thầy cô nới lỏng và nhẹ tay, điểm rất thoáng, vậy mà…

Và rồi, các môn kiểm tra, các kỳ thi diễn ra tới tấp. Chúng tôi ôn tập khẩn trương, sẵn sàng cho việc thi cử. Đến môn Sử, những câu hỏi khó đã làm chúng tôi “choáng”. Thực ra không phải là quá khó nhưng là thế này: “Theo em thế hệ trẻ cần làm gì để xây dựng nền khoa học kỹ thuật của nước nhà sánh sai cùng các cường quốc năm châu ?”. Đứa nào cũng hăm hở viết. Tôi tự tin đem bài mình nộp, chắc mẻm sẽ được điểm cao với câu trả lời trau chuốt nhất mà tôi có thể nghĩ ra: “Chúng em là thế hệ trẻ Việt Nam, phải tập trung vào công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, vì đó là con đường đi đúng đắn cho tương lai. Nhà nước phải tạo điều kiện để phát triển tài năng trẻ, cho chúng em du học, học hỏi nền văn minh và sáng tạo các nước…”

Lúc trả bài, hầu hết chúng tôi được điểm 7, nhưng thật hi hữu, lại có điểm mười. “Điểm mười, vâng, chính xác là một điểm 10. Đặc biệt đó là của một tên tuổi chưa bao giờ nổi: Bính ! Tất cả là sự khác nhau trong câu hỏi thêm ấy. Bạn có biết Bính đã trả lời như thế nào không ? Cậu ấy không dùng lời lẽ hoa mỹ, không khoa trương hay những ý “ăn theo” số đông như chúng tôi mà chỉ có năm cái gạch đầu dòng.

- “Trước tiên thế hệ trẻ phải học, học thật nhiều, thật hăng hái, đào sâu tư duy, nghiên cứu.

- Học làm người trước khi học khoa học, học lấy kiến thức. Không để tình trạng khi trở thành người có trình độ chuyên môn cao thì lại suy đồi về mặt đạo đức.

- Yêu tổ quốc, thương mọi người vì chỉ vì Tổ quốc mới làm cho ta học hết mình, phấn đấu hết sức vì tương lai.

- Gắn liền bài học với thực tiễn.

- Đoàn kết thế hệ trẻ để bổ sung cho nhau, tạo tương lai vững chắc về mọi mặt.

Chúng tôi lặng đi, sự ghen tức đã thay thế bằng thấu hiểu ! Bính xứng đáng được điểm mười. Đó chính là bài học, phương hướng để chúng tôi tốt hơn. Cảm ơn Bính !

Trương Lê Ngọc Ân – 12 chuyên Toán

Tuyển truyện ngắn 04 - 05 - Hoá khoá 5

LIỀU THUỐC TÂM HỒN

Thưa ba mẹ con đi học về !

Xuống ăn cơm đi con

Thôi, con mệt lắm. Con đi ngủ đây

Vừa nói nó vừa nhắc từng bước chân nặng nề lên cầu thang. Nó vào phòng. Đóng sập cửa lại. Quăng cặp rồi nhảy phóc lên giường. Bính boong … ! Chuông đồng hồ chỉ 9h. Ngày nào cũng vậy, đã hơn 4 tháng nay rồi, nó đi đi về về hệt như một cái bóng. Những bận rộn ồn ã của bạn ngày làm nó mệt nhừ .

Nó đưa mắt nhìn ra cửa sổ 1 … 2 … 3 … Đêm nay trời ít sao quá, trăng cũng đã lên cao, bầu trời chỉ là một bóng đêm sẫm sịt. Rồi nó đưa mắt đi khắp phòng, trong cái bóng tối mật mờ của cái đèn ngủ hình thanh trúc, nó thấy những bức hình của gia đình, của nó một thời trẻ dại, nó những diễn viên, ca sĩ, cầu thủ … mà nó từng hâm mộ, nó thấy những món quà ngộ nghĩnh, những vật trang trí xinh xinh mà nó đã thu lượm được hay từ những bữa sinh nhật, ngày lễ mà nó từng rất tự hào, nó đưa mắt đi xung quanh, và dừng lại ở tấm gương trên cảnh cửa của tủ đồ đối diện giường ngủ, nó nhìn thấy nó … Nó chồm dậy để nhìn mình rõ hơn. Một con bé với khuôn mặt lạnh tanh. Nó lại nằm xuống lim dim mắt. Hôm nay là thứ bảy nó cho phép mình làm như vậy .

Rồi nó đi vào giấc ngủ. Gương mặt nó đã giãn ra nét hồn nhiên lại trở về, trái hẳn với gương mặt khó đăm đăm tự nhiên hay cố tỏ vẻ vào mỗi sáng. Mái tóc dài lòa xòa trên chiếc gối thêu bông … Trời hôm nay ít sao, nhưng những vì sao thì sáng lắm. Nó biết vậy …

Tíc tắc … tíc tắc … tíc tắc … !

- Này nhỏ ơi ! Dậy đi nào ! Nhỏ còn khối việc chưa làm xong đấy .

- Ừ … biết rồi mà …

Nó vừa ngái ngủ vừa lom khom bò dậy. Nó bước chân xuống chiều giường trải ra trắng đầy hoa, khung cửa sổ lung linh ánh nắng, chim chóc reo ca … Nó thấy nó trong sương là một nàng công chúa với chiếc váy thắt nơ dài, mái tóc bồng bềnh mềm mại … Nó bước từng bước chân nhẹ nhàng.

- Hôm nay tôi phải làm gì ? Hôm nay tôi phải đi đâu ?

- Hôm nay nhỏ sẽ được làm những gì nhỏ thích. Hôm nay nhỏ sẽ đi đến một vùng trời thú vị .

- Thật thế sao ?

Nó bước đi trên con đường đầy nắng, ngập tràn sức sống, trước mắt nó là biển cả mênh mông. Nó leo lên thuyền … Thuyền đi và đi mãi …

“Mẹ ơi, có phải những bông hoa lúc nào cũng đẹp ? – Hoa chỉ đẹp mỗi khi con ngoan thôi, nếu con luôn ngoan thì ngày nào hoa cũng đều tươi thắm” .

“Ba ơi, sao biển lại xanh đến vậy, con có thể đi hết biển không ? – Biển luôn xanh để con luôn hi vọng, rồi một ngày con sẽ hiểu hết biển thôi” .

Chiếc thuyền kia chở đầy hạnh phúc. Đứa bé kia đỗi ngây thơ nhưng tâm hồn rộng lứon quá vậy ? Gia đình ấy, đứa bé ấy, sao rất đỗi thân quen?

“Cô ơi, bầu trời chứa gì hở cô ? Mai này con muốn làm nhà du hành vũ trụ ! – Con cứ học giỏi đi, những điểm mười sẽ đưa con đến những vì sao” .

“Mẹ ơi, đứa trẻ khóc tội quá kìa ! mai này con sẽ làm cô bảo mẫu”. Chiếc thuyền chở nó cứ tiến dần, nhè nhẹ lướt qua những vùng đất khác nhau, ở mỗi nơi, mỗi khung cảnh cứ hiện ra trong sáng và diệu kì …

“Bụp … bụp … bụp. Trái cây vung vãi đầy giường. Có cô bé vội vàng, lúng túng. Có bà lão lưng còng, có cô hàng quán gầy nhom đương tiến lại nhanh nhẹn cùng cô bé thu nhặt quả rơi “Con cảm ơn”… Trên gương mặt nhăn nheo và khắc khổ, họ mỉm cười nhân hậu. ánh mắt tròn xoe cô bé biết rằng trên đời quá nhiều tình yêu”.

“Em cảm ơn chị. Tiếng reo hò vui mừng vang lên từ một đứa bé mồ côi đang đón nhận những quyển sách cũ. Những thứ bỏ đi của một con bé lại một người mững rỡ đến vậy. ÁNh mắt thằng nhỏ sáng lên niềm hi vọng và con bé tìm ra niềm tin vào cuộc đời.

Chiếc thuyền cứ đi và nó lại thấy

“Một bà cụ đang loay hoay bên những can dầu, thùng dầu quá nặng và bà chẳng thể bưng lên mà sang qua những thùng khác được. “Để con giúp bà một tay nhé !”Đứa bé vui mừng thực hiện một việc tốt. Lời đề nghị của nó nhỏ và từ từ cứ hệt như cố lắm nó mới thoát ra sự ngượng ngùng và nói lên những lời như vậy. Đứa bé nhanh nhẹn bưng thùng lên sang qua sang lại. Thế nhưng chỉ với một vài can, đứa bé đã làm hỏng việc. Nó đổ lệch và dầu tràn ra đất. Cả bà và nó hốt hoảng. Đứa bé buồn thiu và rất ân hận. Nó đã chả giúp gì mà lại làm hỏng việc. Bà nói không sao nhưng bà cũng buồn. Đứa bé thấy là nó hậu đậu quá!”

Lại một hình anh nữa hiện ra. Trong khung cảnh ấy có những bạn trẻ rất đông vui. Ai cũng nói cười hớn hở, giỡn đùa nhưng trong số ấy có một người trầm ngâm. Bạn trẻ ấy trước kia cũng vui vẻ lắm, rất nhiệt tình, rất chân thành, nhưng phải cái quá vô tư. Để rồi hôm nay bạn ấy nhận ra cuộc sống thật phức tạp. Ai cũng vui vẻ đấy nhưng chẳng phải ai cũng thật tình. Rồi bạn ấy thất vọng, rồi bạn ấy khép mình …

Cái cảm giác ấy bỗng dưng lại len lỏi vào người nó. Nó giật mình. Phải chăng, đó thực sự là cảm giác mà nó đang gánh chịu ? Nó – một cô bé mới 17 tuổi mà gương mặt đã lạnh tanh. Nó muốn hồn nhiên lắm chứ, muốn sống thật lắm chứ, nhưng cuộc sống quanh nó làm nó sợ … Một nỗi sợ hãi tìm đến nó chừng 4 tháng rồi. Nó sợ mọi thứ xung quanh nó làm nó chân thành, nhưng nó đã nhận gì từ cuộc sống. Nó không biết cách sống ! Nó không biết kàn sao để vừa lòng mọi người. Nó không biết làm sao để mọi người hiểu nó. Nó biết lối suy nghĩ của nó khác mọi người nhưng nó biết nó không phải là đứa xấu tính. Nó đã im lặng, rồi nó đón nhận lòng tốt từ mọi người … Nó sống nhiệt tình … Rồi nó va chạm với cuộc sống giả tạo đang diễn ra … Nó lại im lặng, có lẽ những gì nó đã gánh chịu và cảm nhận thì chẳng thể diễn tả được nhưng đó thật sự là một nỗi ám ảnh. Và có lẽ do nó là một người quá nhạy cảm, nó đọc rất nhiều sách, rất nhiều câu chuyện về những tấm lòng, nó cảm nhận được hết. Nó cũng tìm thấy sự đồng cảm, nó cũng đón nhận và chứng kiến nhiều lòng tốt và nó cũng muốn được như vậy. Nó cố làm thật nhiều việc tốt, nó chân thành nhưng nó quá hậu đậu, nó lại không khôn khéo. Bạn bè nghĩ rằng tại sao nó lại giúp đỡ vô tư đến vậy để rồi đâm ra ngờ vực nó có toan tính gì. Người nó mến lại rất vô tình … Gia đình luôn yêu thương nó nhưng lại nghĩ nó rất vô tư không chút suy nghĩ gì. Từ ngày lên cấp III, nó không còn là người đứng đầu lớp. Nó bị đối sử như một người vô dụng và xấu tính. Nó tự trách mình. Nó bị ám ảnh bởi nhiều điều và nó đã dằn xé mình và rồi nó trở nên lạnh lùng. Nó không còn lãng mạn nữa, những chuyện lãng mạn đối với nó chỉ là một điều xa vời vợi. Nó không còn đạp xe lòng vòng trên đường phố để đón nhận cái cảm giác sảng khoái, mát lành. Nó không còn ra biển ngóng gió chỉ vì thích. Nó không còn muốn đọc sách nữa. Trái tim nó không rung động nữa. Nó suy nghĩ phức tạp hơn, ánh mắt nó không còn tròn xoe mà lúc nào cũng nhìn thẳng về phía trước và luôn nhín lại để không nhìn thấy những cảnh đời bên hè phố. Nó vẫn luôn cười nhưng nụ cười không bao giờ trọn vẹn mà luôn giằng lại để giữ một điều gì.Những giọt nước mắt không còn rơi nữa. Những món đồ xinh xinh, những bức ảnh của thần tượng nó chẳng màng đến nữa, tiếng nhạc không còn vọng ra thường xuyên từ phòng nó nữa. Bầu trời dẫu nhiều sao vẫn còn màu đen kịt. Nó dành thời gian để học, học và học. Nó cắm đầu vào học, đi đi về về. Nhưng càng lúc nó càng mệt mỏi, nó cũng chả thu được bao nhiêu kiến thức vào đầu, nó mở vở ra cũng chả nhìn thấy chữ, nó cứ suy nghĩ mông lung. Nó cố gạt bỏ những điều gì đó, nó cố quên đi những sở thích, những mơ ước thuở nhỏ : không là nhà vũ trụ, không là một cô bảo mẫu, không đi tìm những hạnh phúc mơ hồ … Nó thực tế hơn, nó chỉ muốn tìm một công việc ổn định rồi sống, rồi chết ! Đã hơn 4 tháng nay nó không còn là mình !

Tíc tắc … Tíc tắc … Tíc tắc …

Chiếc thuyền lại đi đến một vùng đất khác .

“Có đôi bạn vừa đi vừa hát, cảm nhận tiết trời dịu nhẹ, một đứa cất tiếng khẽ khàng : “Nhỏ ơi, tao tự hào về mày lắm, thật hạnh phúc cho tao khi có được một người bạn như mày. Mày biết không, tao tin rằng rồi mày sẽ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Mày có tâm hồn lớn lắm … lớn lắm …”

- Con ơi, dậy đi, dậy đi. Đã 6h rồi, con không đi học à ?

Nó chợt tỉnh giấc. Nó vừa trải qua một giấc mơ ư ? Không ! Đó thực sẽ là những điều nó đã trải qua. Nó tung dậy, mở cửa sổ. Bầu trời hôm nay đẹp lắm trong sáng và vui tươi. Có gì đó làm tim nó nhói đau nhưng nó bừng tỉnh thực sự khi nhớ về lời nói của nhỏ bạn thân. Nó dường như đã ngủ một giấc rất dài, nó đã quên đi lời nhỏ bạn nói với nó. Có gì đó xoa nhẹ tim nó, nhưng thực sự tấm băng kia quá lớn và không thể trong chốc lát biến thành hơi nước. Nó biết bảng băng đang tan dần, tan dần … đến một lúc nào đó … và giờ đứng giữa khung cửa thân quen – nơi đó đã từng thả hồn mình theo những vì sao, những giấc mơ – nó nhẹ nhõm hơn và dường như nó đã rút ra được nhiều điều cho bản thân nó đang tìm về lối đi xưa – cái cách mà nó đã chọn. Con đường ấy giờ này nó biết sẽ không thẳng tắp và láng tưng như con đường mà nó vẫn đạp xe bon bon đi dạo mà con đường ấy sẽ gồ ghề hệt như con đường đi học của nó vậy. Bây giờ nó đã biết chấp nhận cuộc sống ! Nó nhận thấy rằng suốt thời gian qua nó đã quá yếu đuối, nó không dám đương đầu với thực tại. Nó không rung động nữa vì nó sợ nó sữ lại buồn, nó khép mình vì nó sợ lại nhận những nghi ngờ vô cớ, nó không dám làm những điều mình thích nữa vì nó sợ nó sẽ chẳng vào nổi trường đại học mà nó thích … nó sợ ! Nhưng ngay lúc này nó biết rằng chính những nổi buồn làm nó cứng cáp hơn, chính những nghi ngờ kia mà nó nhận ra ai là bạn, chính những sở thích của nó làm nó sảng khoái hơn, học hành tốt hơn …

Và chính những chuyện đã qua làm nó trưởng thành hơn. Nó chính chắn hơn trong suy nghĩ, không dễ dãi và không quá ư nhiệt ình như trước, nó biết nó phải làm gì. Giờ này, nó thấy mình đã lớn rất nhiều. Nó dần tìm được cảm giác thoải mái và biến khuôn mặt đờ đẫn của nó tươi hơn … Bây giờ nó vẫn không khỏi sợ, nhưng sẽ đến một ngày … nó cười. Nụ cười tưởng chừng như đã đánh mất từ sau ngày ấy … không ! Bản chất người nó vẫn chưa thay đổi !

Phùng Thị Thùy Trang

BIỂN ĐÊM

Trần Xuân Ánh

Biển đêm. Có cái gì đó thật khác lạ khi biển đã về đêm làm nó yêu quý biết dường nào. Không ồn ào, không chen lấn, nó có thể ngồi đây hàng giờ để ngắm biển. Có lẽ đã mệt nhoài sau một ngày vỗ sóng, la hét, đùa giỡn cùng với những người muốn tận hưởng cái cảm giác khoan khoái cùng sóng nước, biển về đêm nghỉ ngơi thật êm dịu, nhẹ nhàng. Biển đêm, thăm thẳm, loang loáng những ánh đèn như tấm lụa nhung huyền ảo đính những hạt cườm lung linh vui mắt đẹp đến lạ. Nó ngồi đó, lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rầm, đưa mũi hít thật sâu cái hương vị của biển, của đất trời, của sự sống, cái hương vị mặn mà quen thuộc quá. Rồi mọi ưu phiền, mệt nhọc lại theo hơi thở của nó đi ra thật xa, hòa cùng với hơi thở của đất trời thì những buồn bã đó cũng trở nên tầm thường. Ngồi ở đây, nó có thể nghĩ đến những chuyện đã qua với một cái nhìn thật thoáng, với một tâm trạng bình yên nhẹ nhõm. Nghĩ ngợi chán chê, nó lại đặt mình xuống nền cát mát lạnh, gối đầu lên cánh tay đặt sau gáy, nhìn trời nhìn đất, ngắm trăng ngắm sao. Nó đang mong đợi ngôi sao băng nào đó mải mê đi chơi lạc ngang qua trước mắt nó, để nó có thể chắp hai tay, nhắm mắt lại, ước một điều ước. Lãng mạn quá nhỉ. Nó cũng chưa biết nếu gặp sao băng nó sẽ ước gì, chỉ mong thế thôi. Không phải tối nào nó cũng ra chơi với biển, chỉ khi nào thật vui hoặc thật buồn, nó mới đến đây, mở lòng ra cùng biển, để biển thấu hiểu mọi tâm trạng của nó. Nhưng hôm nay, nó không vui cũng không buồn, mà chỉ với một tâm trạng náo nức, hồi hộp. Nó đang chờ đợi…

“Chào cô bé, ngồi một mình à ?”

Nó mở to mắt nhìn người vừa đưa ra câu hỏi chỉ để hỏi kia. Một tên con trai hiền lành, trông có vẻ trẻ con trông bộ đồng phục học sinh đang ngồi xuống bên cạnh nó. Nó nhoẻn miệng cười

THƯ GỞI BA

Quy Nhơn, ngày …… tháng …… năm ………

Trong cuộc sống, mọi người viết thư cho nhau với những mục đích khác nhau như thăm hỏi sức khỏe, tình hình gia đình … và đương nhiên đối tượng trong những bức thư ấy đều là những nhân vật hiện hữu, nhưng đối với con thì …

Con quay lại trường học sau năm ngày chịu tang cha. Cuộc sống ở trường, ở lớp đã trở lại bình thường. Năm tiết học trôi qua chóng vánh, con thu xếp sách vở, chạy xuống sân trường, háo hức chờ ba đến đón, vì con biết chắc rằng trên đường về đi ngang qua chợ thế nào ba cũng ghé vô và mua cho cả nhà những bịch chè nóng hổi. Con cứ đứng chờ, chờ mãi cho đến khi cả trường chỉ còn lại mình con. Đến lúc này con bàng hoàng nhận ra rằng ba đã không còn nữa và từ đây sẽ không còn ai đến đón con về. Tự nhiên, nước mắt giọt ngắn giọt dài nối nhau lăn trên gương mặt ngây thơ của con mà từ trước tới giờ con chỉ biết cười. Những giọt nước mắt ấy cùng với dáng vẻ nhỏ bé của một cô học sinh cấp II thui thủi đi về mà trong lòng đầy hụt hẫng xót xa …

Ngày đó, để có tiền cho con ăn học và chuẩn bị cho con lên cấp III thì ba và má cần một món tiền mà đối với gia đình chúng ta lúc bấy giờ là tương đối lớn. Để có tiền ba luôn phải vắng nhà lênh đênh trên biển đánh cá, cố gắng tiết kiệm chi tiêu, dành dụm tiền lo cho chị em con đi học. Ba từng nói : “Dù phải khôt cách mấy, ba má cũng cố gắng cho con ăn học đến nơi đến chốn, đừng để giống như ba má bây giờ không có công việc làm ổn định”. Chính câu nói này luôn là động lực cho con vươn lên trong học tập, giúp con hoàn thiện bản thân. Nhưng cũng chính vì quá lo cho con, ba đã không quan tâm gì tới sức khỏe của mình. Ba bị đau nặng. Không muốn con lo lắng mà xao nhảng việc học hành, ba đã giấu không cho con biết, cho đến khi … Ngày con hớn hở từ trường về thông báo cho ba kết quả thi học kỳ năm lớp 9 của con thì cũng là ngày ba bỏ con ra đi. Đau buồn, con giận ba nhiều lắm, con cứ nghĩ là ba không thương con nên không muốn nói cho con biết chuyện của ba … Cho đến bây giờ con mới hiểu ra .

Ba chỉ đau đớn trong một thời gian ngắn rồi bất ngờ bỏ chúng con ra đi. Nổi mất mát hình ấy là quá lớn đối với chúng con. Nhiều năm sau này con vẫn thường ngậm ngùi nhớ lại hình ảnh hai đứa con nhỏ và ba má chúng ngồi quây quần bên mâm cơm, không khí thật là ấm cúng. Biến cố ấy đã đem lại bao mất mát và càng lớn con càng thấm thía đó là những thiếu thốn không gì bù đắp được .

Cuộc sống mỗi lúc một bấp bênh. Đôi vai của má như càng oằn xuống trước gánh nặng gia đình quá lớn. Giữa “ngày còn ba” và “ngày mất ba” dường như đối với con là hai thế giới hoàn toàn khác. Miền Trung vào những ngày mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Nhà của mình lại nằm ở gần biển nên hứng chịu tất cả mọi sự lạnh lẽo, những lúc đó con càng cảm thấy tủi thân và nhớ ba nhiều hơn. Hai chị em con đi học trong sự lạnh giá mà se sắt lòng nhớ lại những cảnh trời mưa ba mặc áo mưa đứng chờ đón hai chị em con tan trường. Những gì thuộc về ba đều đưa con về với tuổi thơ đầy ắp niềm vui, tình thương yêu vô bờ mà ba dành cho chúng con. Tuổi thơ của con cũng có những nỗi buồn của riêng mình nhưng tất cả đềy được ba chia sẻ, bây giờ mỗi khi buồn con chỉ biết ra ngồi trước biển, mở lòng mình ra nói cho biển nghe tất cả và con cũng hi vọng rằng ở trên cao ba cũng đã nghe tất cả và ba cũng đang chia sẻ cùng con .

Thuở nhỏ con đã từng thầm ngưỡng mộ những chị ở gần nhà học cấp III được tung tăng trong bộ áo dài thướt tha, con thầm ước mình cũng sẽ được như mấy chị ấy. Ba đã nói với con rằng chỉ cần con cố gắng học thật tốt thì chắc chắn con sẽ làm được điều đó, và ba cũng hứa với con vào ngày đầu tiên của năm học mới ở ngôi trường cấp III ba sẽ đưa con đến trường. Nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực …

Bây giờ con đã là một nữ sinh cấp III, đã thực hiện được điều con mong muốn. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có biết ước mơ, đâu chỉ có biết sống vì bản thân. Càng lớn con càng thấy rõ nổi khổ của má từ khi ba mất. Càng thấy rõ nổi khổ của má con càng thương má nhiều hơn, con càng quý trọng tất cả những gì ba đã hi sinh cho con để cho con có được ngày hôm nay. Lên cấp III, con mới ý thức được mình học cấp III đâu chỉ là để được mặc áo dài, mà con học cho chính bản thân con sau này. Cái đích đến cuối cùng của mỗi học sinh là giảng đường đại học và con cũng vậy. Con cố gắng học để được vào đại học, rồi sau đó tìm được công việc thích hợp. Khi đó con sẽ giúp được cho má phần nào cuộc sống gia đình. Giờ đây con càng thấm thía biết bao câu nói của ba và đã hiểu được phần nào cuộc sống của ba khi ba ở vào độ tuổi như con. Những gì ba dạy chúng con đâu chỉ là lời nói suông, mà đó là cả cuộc sống gay go khắc nghiệt. Thời thơ ấu vất vả ba phải vượt lên nổi đau mồ côi để vừa làm, vừa học sống, có nhân cách, có lòng nhân ái .

Ba xa con thấm thoát đã ba năm rồi vậy mà con cứ mãi ngậm ngùi tiếc thương khi nhớ về ba. Và vì thế khi thấy những trẻ thơ bị mất ba là lòng con lại đau xót, day dứt. Có những đứa trẻ mất ba như mất đi chỗ dựa tinh thần lớn lao, những đứa trẻ đó hoàn cảnh sao giống con đến thế, nhìn chúng con nghĩ lại chính mình. Có những đứa trẻ mất ba nó chỉ vì cuộc sống hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ. Những đứa con có ba là một niềm hạnh phúc tuyệt vời. Sao viết đến đây, con lại chợt nghĩ tới những cụ già trong viện dưỡng lão thì con cái của họ ở đâu, tại sao họ lại nỡ nhẫn tâm làm như vậy đối với ba má của họ. Nghĩ đến đây con càng thấy thương má nhiều hơn. Không chỉ con trẻ cần đến cha mẹ, mà khi tuổi già cha mẹ cũng cần đến tình thương của con cái .

Lũ bạn thân của con biết chuyện con sớm mất cha, nên chúng nó thường dặn con phải luôn nhớ về những chuyện vui cho lòng mình thanh thản, con rất cảm ơn cuộc sống đã cho con những người bạn tốt đó. Nhưng cũng chính trong nổi bất hạnh nếu ta nhận ra được một điều quan trọng cần suy nghĩ thì cũng không nền quên phải không ba ?

Thế giới vật chất hiện tại không cho phép con tâm sự được cùng ba những suy nghĩ trên, cũng như không cho phép con chuyển bức thư này đến cho ba ở một cõi mênh mông. Nhưng con biết chắc rằng ở nơi xa đó trong tình phụ tử ba vẫn đọc được lòng con …

Con của ba

Hồ Thị Kim Liên

Tuyển sáng tác 2004 - 2005 (A1 khoá 5)

SUY NGẪM

Trời đang mưa, ký túc xá thật buồn !

Có người nào đó từng : “Những lúc ta gặp khó khăn nhất thì ta sẽ nghĩ đến người mình yêu thương nhất”. Giờ đây đầu óc tôi tràn ngập hình bóng mẹ, người mẹ tảo tần ngày đêm lo lắng vun vén cho cái gia đình nhỏ nhoi của tôi. Gia đình tôi là một gia đình công nhân viên chức bình thường, cha mẹ hằng ngày chắt chiu từng đồng lương ít ỏi, bớt xén từng đồng từng hào đưa tôi xuống Thành phố học. Cả đời tôi chưa làm được việc gì to tát để đền ơn cha mẹ cả. Suốt ba năm tôi luôn tự cố hứa với lòng mình phải luôn cố gắng để dành cho ba mẹ món quà lớn nhất đó là phiếu gọi của trường đại học nào đó .

Cũng như tâm trạng của tất cả những học sinh cuối cấp tôi đang đứng giữa ngã ba đường. Một bên là khát khao, ước vọng mãnh liệt mong được vào một trường đại học danh tiếng cho thỏa những ngày tháng ra sức học hành, một bên là nỗi sợ hãi khôn nguôi. Sợ gì ? sợ trượt. Đối với tôi, đại học như là một cánh cửa thần kì. Nếu mở ra được ta sẽ tới một khung trời mới, bầu trời trong xanh, hoa nở, tiếng nhạc du dương. Còn nếu không tìm ra chìa khóa, tôi sẽ bị chôn vùi mãi trong khu rừng rậm mà không có lối thoát. Tôi đâm đầu vào học. Những lúc tôi cảm thấy chán nản, hình ảnh mẹ lại hiện lên thúc giục, động viên tạo cho tôi sức mạnh để vượt qua. Tôi nghĩ rằng mình học càng nhiều thì cánh cửa ấy sẽ gần tôi hơn. Nhưng cho đến lúc này, khi chỉ còn vài tháng nữa, tôi đang đứng trước ngưỡng cửa thì tôi sợ. Tôi sợ là mình không thể bước qua được. Mẹ từng trải qua những năm tháng này nên mẹ rất hiểu tôi. Mẹ luôn bảo : “lo gì, còn năm sau, năm sau nữa, đời con còn dài mà. Với lại, đại học đâu phải là con đường duy nhất”. Nhưng nhìn vào sâu vào trong đôi mắt mẹ, tôi cảm nhận được cả một bầu trời hy vọng, niềm tin mãnh liệt vào đứa con gái bé bỏng.

Tôi vẫn chưa hình dung được nếu trượt đại học thì tôi sẽ ra sao nữa. Nhưng phải cố thôi. Vì mẹ, vì cả tôi nữa. “Tương lai mình phải do mình tự tạo ra chứ không ai giúp được cả. Mình phải tự đứng vững trên đôi chân của mình có như thế sự nghiệp, địa vị của mình mới thật sự có ý nghĩa”. Con bạn tôi nó nói thế. Bây giờ tôi mới thật sự thấy hết được ý nghĩa của câu nói ấy .

Ngoài trời vẫn mưa .

Phạm Thị Tú Dung


CÓ MỘT NGÀY XƯA

Có một ngày xưa em đã đi qua

Tim tím hoa mua, rực vàng hoa cải

Trải dọc triền đê hoa li ti mọc dại

Tuổi mười ba dại khờ thức ngủ những ước mơ

Có một ngày xưa em từ đó lớn lên

Bến sông chiều mẹ ra ngồi giặt

Đàn cò trắng bay ngang

Bóng hoàng hôn tím ngắt

Thương dáng người mỗi lúc một gầy hơn

Có một ngày xưa ai đã từng quên

Tháng năm phượng thắp hồng nỗi nhớ

Trang lưu bút ngập ngừng dòng tên ai viết vội

Chia tay tuổi học trò

Giọt nắng rớt buồn tênh !

Có một ngày xưa chừ là cổ tích

Những buồn vui đọng lại phía mờ xa

Đêm góc trời mọc vầng trăng ký ức

Nhắc em rằng mình có một ngày xưa

Kỷ niệm tìm về trong giấc em mơ …

Lê Thảo Sương

Tuyển thơ học sinh 2004 - 2005 - Sinh K.5

NỖI LÒNG

Trần Minh Tri – 11 Sinh

Này phố nhỏ có thấy người đằng trước

Dáng xinh xinh , lúc lắc tóc đuôi gà

Tà áo trắng như mây và mềm mại

Mắt dịu hiền trong đó biết có ta

Xin mưa nhỏ đừng làm bằng mắt kính

Cái nhìn ta thêm bối rối ngập ngừng

Tà áo nhỏ dễ lẫn vào tấp nập

Ta tặng lầm ánh mắt một người dưng

Này mưa bụi đừng giỡn đùa nữa nhé

Anh mắt em làm má đỏ hồng

Oi! Tim nhỏ xin người đừng quậy phá

Để cho ta bước tới nói làm quen

LÒNG MẸ

Nguyễn Văn Cường – 11 Sinh

Mưa vẫn nhỏ suốt đêm dài nằng nặng

Bạn ngủ say con thắp bóng một mình

Đêm gác trọ nghe quê nhà đằng đẵng ,

Dáng mẹ cười trong nỗi nhớ mênh mông

Bạn lên quê bức thư nhà mẹ gửi

Con đọc xong , hàng nối chữ ướt nhòe

Con thiếu một , mẹ hụt mười lẫn quẫn

Tương lai này mẹ dõi bước con đi

Mưa vẫn nhỏ đến bao giờ trời rạng

Con lao xao những bè bạn sân trường

Mẹ chắt những luống cát dài thành giọt

Con lấy gì đổi lại những yêu thương !!!

Tuyển thơ học sinh 2004 - 2005

TÌNH CÁT

TRÚC LOAN – 11 ANH - k.5

Có lần tôi bước đi trên cát biển

Tôi nghe tiếng cát thở dưới chân mình

Thấy cồm cộm , nhờn nhợt làn chân nhỏ

Biết vui buồn xây từ những mong manh

Tôi thích thừ người ra trên cát

Thả lòng mình ra biển cuốn muôn phương

Cùng cát thở những nhịp đời trôi nổi

Biến muộn phiền hoá thành những li ti

Tôi thích thổi thật nhiều hạt cát

Như thuở xưa thổi mái tóc của cha

Tóc người cũng thoảng mùi mặn như cát

Cũng mang nhiều sương gió biển đời cho

Có lần tôi nghe tiếng biển thì thầm

Về đời cát thuỷ chung làm biển đợi

Thương cát nhiều nhưng mẹ hơn thế

Sánh cùng mẹ , tình cát hoá khung tranh

KHI LỚP TRƯỞNG LÀ CON GÁI

HỒNG PHÁT – 11A2

Lớp trưởng là con gái

Mà sao chẳng dịu dàng ?

Chẳng để dài thắt bím

Mà tóc ngắn cắt ngang .

Lớp trưởng là con gái

Chỉ bắt nạt con trai

Nào là nay lau bảng

Nào là nay khuâng bàn

Lớp trưởng là con gái

Làm viêm màng túi tôi

Bắt mua xoài , cóc , ổi

Lại vòi hoa đòi quà

Lớp trưởng là con gái

Mà dữ như bà chằn

Hay tìm tôi gây sự

Rồi giở thói hung hăng

Aý vậy mà lạ ghê

Khi tôi đang bày tỏ

“ Cho mình thích bạn nhé . !”

Lại đỏ mặt bỏ về

Từ đó trông lớp trưởng

Tôi thấy thật dễ thương

Bởi vì tôi và “ sếp”

Đã thân hơn bình thường

HỒI ỨC

NGUYỄN TRẦN ĐĂNG DANH- 11H - k.5

Lửa lại cháy trên từng cành phượng vĩ

Ve lại ngân sau vòm lá me xanh

Hè lại đến âm thầm và lặng lẽ

Tưởng như làn gió nhẹ chợt thoảng qua

Nhớ ngày đó bạn bè còn chung bước

Nắm tay nhau đi suốt quãng đường dài

Giờ cách xa mỗi người về một ngả

Bước ngập ngừng đường vắng bóng cố nhân

Nhớ cái thuở còn nô đùa,ca hát

Hái sấu non hay vít nhánh phượng hồng

Làm cánh bướm ép vào trang vở trắng

Ủ vào lòng kí ức tuổi thơ qua

Giờ xao xuyến đọc từng dòng lưu niệm

Gặp bạn bè sau nét chữ thân quen

Từng trang viết dáng chữ nhoè vì lệ

Giọt lệ sầu hay giọt lệ chia tay

Buồn man mác nhìn con đường quen thuộc

Lá vàng rơi nhè nhẹ giữa từng không

Hè lại đến và ve sầu lại hát

Khắp đất trời bừng cháy lửa phượng hồng

Bè bạn cũ giờ mỗi người mỗi ngả

Biết có ai còn nhớ đến ai không ? …

LỜI CỦA MẸ

Võ Thị Quỳnh Giang - 11H - k.5

Ngắm nhìn hoa phượng đỏ

Mẹ lại vấn vương một thời đến lớp

Thời làm bạn với sách vở, bảng đen

Với giáo án trên tay đến lớp ngày ngày

Đã qua rồi những năm tháng ấy

Năm tháng yêu thương , năm tháng tuổi học trò

Và mẹ bắt gặp bóng dáng của mình thấp thoáng trong con.

Mẹ mong con trân trọng những ngày còn cắp sách

Đầy ắp kỉ niệm vui buồn , những xao xuyến bâng khuâng

Cùng học , cùng chơi bên những người bạn chân thành

Rồi ngày tháng sẽ qua đi

Con sẽ giã từ màu áo trắng.

Nghĩ gì con yêu ! Cho những ngày sắp tới

Hãy cố học đi , thời gian chẳng đợi chờ

Kiến thức là hành trang khi bước vào đời đầy gian khó

Khi con từ giã mái trường , rời vòng tay mẹ thân yêu

Con sẽ bay cao, bay xa …

Cho tương lai đang rộng mở …

Tuyển sáng tác 2004 - 2005 (Văn khoá 4)

NHÓC ĐÃ BAO GIƠ NHÌN THẤY MƯA?

Hoàng Nguyên

Nhóc đã baogiờ nhìn thấy mưa?.Nếu tôi hỏi Nhóc câu này chắc Nhóc sẽ cười phá lên và hỏi:”Hôm nay lại bị sao rồi hả?”.Yên nào ,thế Nhóc có muốn nghe câu chuyện về những cơn mưa mà tôi đã bắt gặp không?

Nhóc biết đấy lớp tôi đa phần là con gái .Nên việc lớp lúc nào cũng ước sũng nước mắt là điều dễ hiểu.Buồn quá khóc ,mừng quá khóc khi không có gì thì khóc cho vui. Thế mà, có ngườibước chân vào cấp ba tôi chưa bao giờ thấy nàng tỏ ra yếu đuối.êos là lớp trưởng. Lớp trưởng chỉ đạo rất tốt cái lớp có mầm mống nổi loạn này.Cô luôn giữ thái độ bình thản trước mọi việc,sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.. Môt lần,khi đi qua cái hành lang ít ngươì qua lại,tôi vô tình thấy lớp trưởng.Cô đứng một mình ,,những giọt lệ lan dài trên mávàlớp trưởng khẽ khàng quệt đi.Những tiếng nức nở bị giấu nhẹm.Rồi tôi đi tới để bờ vai của mình cho lớp trưởng dựa vào,hoàn toàn tin cậy.Lớp trương gục đầu vào vai tôi ,khóc nức nở, khóc to như ngày xưa bị mẹ đánh. Những giọt nước mắt như không thể kìm nén được nữa ,hối hả tuôn rơi.Cứ khóc lớp trưởng ạ khóc cho nhẹ nhõm.Bởi chơi thân vớilớp trưởng tôi biết đó là cơn mưa xoá đi bao muộn phiền,bao áp lực từ gia đình khi bắt lớp trưởng thi vào trường đại học mà mình không muốn,từ bạn bè khi cái gì cũng đùn đẩy và lúc chịu trách nhiệm lại đổ lên vai lớp trưởng.Cứ khóc đi lớp trưởng ạ sau cơn mưa trời lại sáng mà…

Nhóc thấy thế nào khi nhìn cảnh một thanh niên ăn mặc lịch sự cố đuổi bà lão ăn xin r ồi phóng xe vọt đi để lại những vết bùn trên áo bà lão? Còn tôi, cổ nghẹn lại và lòng lạnh băng như có mưa rơi.Phải! có lẽ mưa đã rơi tronglòng tôi khi chứng kiến thêm một người có học thức mà lại vô cảm trước nỗi đau đồng loại, một sự phân biệt đẳng cấp in sâu trong tiềm thức…

Ngày ấy, tôi đi ăn cưới đám cưới chị tôi đơn sơ và giản dị.Khi mọi người ra về tôi cùng chị trò chuyện trong buồng,trời đã đổ mưa thật to.Không trời khóc chứ.Ông trời khóc tiễn đưa người con gái qua caí tuổi thanh xuân đầy vô tư hồn nhiên để bước vào quãng đời của một người p hụ nữ trưởng thành.Trời khóc tiên đưa chị tôi về nhà chồng.

Và hôm nay nữa ,khi chúng ta cùng nhau đi dạo sau bữa ăn mừng Nhóc tròn 16 tuổi,chúng ta cùng tản bộ trên con đường trồng đầy me tây.Nhóc đi trước lílắc như chú chim sẻ.Và kìa mưa.Cơn mưa hoa rãi trên mặt đất một tấm thảm vàng rực rỡ.Và tôi khẽ thì thầm”:Đó là món quà tuyệt vờimà thiên nhiên dành tặng em thêm tuổi mới đấy Nhóc ạ!”

THÍCH

Con trai thích con gái

Mắt cứ liếc nhìn hoài

Cứ gãi đầu gãi tai

Khi nói chuỵện với ấy

Giờ ra chơi thơ thẩn

Con gái đi lối nào

Vô ý bước theo sau

Ứớc gì con gái biết

Chẳng còn thèm nghịch phá

Bâng khuâng viết thư tình

Tự dưng thấy giống mình

Con gái ơi , có biết?

KỈ NIỆM

Chị viết cho Huy lúc đang ngồi một mình trong căn phòng trọ lạnh lẽo.Ngoài kia sao nhấp nhánh như nghìn con mắt đang dõi xuống nhân gian.Tự nhiên chị nghĩ vẫn vơ…Chị nhớ hồi còn nhỏ chị em tuổi trứng gà trứng vịt nên ít đứa nào chịu nhường nhịn.Cólần, hai đứa đánh nhau Huy cầm cành đu đủ nhỏ xíu còn chị chơi nguyên khúc gỗ bự chảng dùng để chắn cửa.Mới đụng nhẹ vào Huy đã oà lên khóc . Máđi dạy về ,Huy sà vào lòng má còn chị ra vẻ biết lỗi đi hái rau cho gà,vừa hái vừa lấm lét nhìn . Từ đo, Huy bị chị gọi là “mít ướt nhão nhẹt” ,con trai mà hở tí là khóc như con gái vậy.

Hồi đó tụi mình vui qua nhỉ?Cả ngày vui đùa với đủ mọi trò chơi:bắn bi ,ném lon,lò cò.Khi chiều xuống hai đứa dắt nhau ra ngo, trông má về và ùa vào lòng má để hít lấy mùi phấn hănghắc,đón lấy những viên kẹo cà phê 100đ hai viên nhai rau ráu ,ngon lành xiết bao.Chị chắc rằng bây giờ tụi mình ăn lại chúng chắc chẳng ngon gì đâu.Có le, trong hương vị của những chiếc kẹo ấy có niềm vui của thời thơ ấu,hồn nhiên vô lo ,vô nghĩ.

Hồi đó ,tụi mình cứ hay đi chơi với lũ trẻ hàng xóm.Chúng lớn hơn mình nên cứ bắt nạt hai đứa suốt.Có lần, khi tụi mình cầm hai cái cabột mà má đã bỏ ngủ trưa để khuấy trước khi đi dạy vừa ăn vừa xem tụi nó chơi,hai thằng lớn nhất chạy đến ,xô hai chị em mình ngã cái bịch.Hai ca bột đỗ chỏng chở trên đất,còn tụi mình chỉ biết nhìn hai cái ca trống không oà lên khóc.Sau này, khi đã méc má xong và được Người bù cho hai ca bột khác đầy hơn,tụi mình đã thề sống the chết sẽ không thèm chơi với lũ côn đồ ấy nữa.The ma, hôm sau vẫn sang chơi như chưa có chuyện gì xảy ra.Trẻ con vẫn là thế mau giận mà cũng mau quên.Một lần ,nhà mới mua về cái máy catsete có ghi âm,tụi mình lôi ra thu bài hát trong phim hoạt hình chiếu trên ti vimà hai đứa thích .Khi mở ra ở đoạn cuốibỗng dưng có tiếng Huy:”Tắt đi hết nhạc rồikìa.Á! Nó thu luôn tiếng Huy vào trong đó rồi kìa”.Và sau đó tiếng Huy cười trong veo.Hai đứa cứ tua đi tua lại chỗ đó ,nghe rồi cười,cười rồi nghe.Tiếc rằng cuộn băng ấy bây giờ đã thất lạc đâu mất rồi,khong thì mỗi khi mở lại tụi mình cưỡi no bụng Huy nhỉ?

Rồi những lần mình về ngoại, chăn trâu, thả diều, tắm sông.Cả những lần cùng tụi em họ trèo lên đống rơm cao ngất,vừa nhai cọng rơm có mùi ngai ngái vừa đếm sao trời có bao nhiêu ngôi sao và thả vào ngôi sao sáng nhất một điều ước.Ước sao cho mai mẹ đi chợ về mua món bắp nếp ngọt lừ .Ước sao mai trời mưa thật to để trốn ngủ trưa đi tắm mưa.Nghĩ lại, chị vẫn còn thấy buồn cười cho cái tuổi thơ ngây dại ấy.

Khi nghe chị kể lại chắc Huy sẽ bảo: “Hai nhắc lạilàm gì những chuyện ấy.Tụi mình đã lớn rồi mà!” .”Ừ! tụi mình đã lớn hơ n xưa nhiều. Huy mít ướt giờ đây đã cứng rắn hơn, tiếng đã vỡ ,giọng ồ ồ vịt đực và trên mặt hồi xư a vốn trắng và mịn hơn cả chị b ây giờ đã lấm tấm đèn pin rồi.Chị thì đã rời xa mái nhà nhỏ bé để đến thành phố ồn ào ,lạnh lùng và tất bật.Nhiều khi, chị tự hỏi không biết mình có còn được như xưahồn nhiên và vô tư như vậy không?Hay đã bị những nhọc nhằn của cuộc sống cuốn trôi?. Nhưng thôi, sao mình cứ sống mãi với kỉ niệm làm gì? Sao cứ mơ về quá khứ khi hiện tại vẫn từng ngày trôi chảy,tương lai trước mắt và mọi việc đang chờ ta Huy nhỉ?Nhưng Huy biết không, chính những đêm như đêm nay,khi một mình ngồi bên cửa sổ đối diện với trời sao,và nghĩ về thời thơ ấu của chúng ta ,chị lại có thêm sinh lực ,thêm dũng cảmđể bước tiếp trên con đường đầy chông gai ,thử thách .

NGÔI SAO TRÊN BIỂN

Kim Diễm

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn

(Chế Lan Viên)

Theo lời mẹ kể lại thì tôi sinh ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt . Đó là thời điểm gia đình tôi chính thức ra hòn đảo này sinh sống . Một đêm đầy sao lênh đênh trên biển , tôi đã cất tiếng khóc báo hiệu sự có mặt của mình trong cuộc đời này . Hòn đảo đã cưu mang gia đình tôi và ôm ấp tuổi thơ trong trẻo của tôi . Có lúc trong giấc mơ tôi thấy mình là một ngôi sao nhỏ trên bầu trời , bay nhẹ xuống mặt biển bao la , lặn ngụp giữa muôn ngàn con sóng . Lúc tôi chào đời cha tôi đa nhìn những vì sao và nguyện cầu đời tôi sẽ giống như vì tinh tú nào sáng nhất . Và trong kí ức tuổi thơ tôi luôn in đậm hình ảnh những đêm trăng sáng , cha tôi dắt tôi ra bãi biển , bảo tôi chọn một vì sao cho riêng mình , tôi ngô nghê chỉ vào mặt trăng vì thấy nó to nhất sáng nhất . Lớn lên một chút tôi cảm thấy yêu thương những ngôi sao hơn vì thấy nó lấp lánh , nhỏ bé như chính tôi trong cuộc sống này . Từng con sóng trong tôi là những lời nhạc trong trẻo và tất cả dệt thành tuổi thơ êm đềm, dịu ngọt . Khi nghe những câu chuyện cổ tích , tôi nghĩ chính mình là một nàng tiên cá, khi xa biển , xa những ngôi sao thì tôi không thể nào sống được . Tôi yêu màu xanh của biển và đó cũng là cái màu mà tôi hình dung về cuộc sống tươi đẹp này . Rồi một ngày cha tôi mất hút trong cái khoảng xanh không cùng ấy, tôi muốn gào lên thật lớn , muốn lao vào quật những con sóng hung tợn . Tôi như nàng tiên cá muốn vẫy vùng thoát khỏi đại dương . Và mẹ tôi đã đến bên tôi tựa hồ như mặt trăng hiền hoà , vỗ ve : ”Biển không có tội khi nào con lớn con sẽ hiểu . Hòn đảo này sẽ che chở chúng ta con gái ạ” . Tôi sà vào lòng mẹ muốn được quên đi tất cả ngôi sao trong giấc mơ giờ đây không còn bay nhẹ xuống mặt biển mà tìm cách vùi mình vào cát trắng đau buồn , giận dỗi . Nhưng tôi không cho phép ngôi sao của mình tuyệt vọng , ngôi sao vẫn lấp lánh trên bầu trời nơi mà những con sóng vô tâm không bao giờ với tới . Một lần tôi hỏi mẹ vì sao cha lại bỏ đất liền để tìm tới hòn đảo khắc nghiệt này, nhưng câu trả lời tôi nhận được chỉ là những giọt nước mắt . Tôi hiểu rằng mẹ buồn , buồn nhiều lắm, từ đó chẳng bao giờ tôi hỏi nữa . Đôi lúc tôi cảm thấy ghét hòn đảo này . Tôi khao khát muốn làm một điều gì đó nhưng lại không rõ phải làm gì và bắt đầu từ đâu . Ngày nhìn thấy sợi tóc bạc trên đầu mẹ tôi bỗng giật mình . Sương gió của hòn đảo này đã làm phai tóc me . Và tôi bắt đầu lo sơ một ngaỳ nào đó phải bơ vơ giữa cuộc đời này . Tôi ghen tị với ngôi sao kia được sống trong ngàn tình thương của biển ca . Có lẽ tâm hồn tôi quá mong manh sẽ không chịu đựng được phong ba khắc nghệt của hòn đảo này. Rồi đến lúc cuộc sống đặt tôi trước sự lựa chọn .Tôi tốt nghiệp cấp hai nhưng hòn đảo quê tôi lại không có trường cấp III nên muốn học tiếp phải vào đất liền . Đám bạn tôi có đứa ra đi có đứa ở lại vì gia đình nghèo khó. Còn tôi , tôi không biết phải chọn lối đi nào . Tôi rất muốn được tiếp tục theo học nhưng tôi không thể bỏ mẹ lại một mình ở hoang đảo.Tôi lo sợ rằng những con sóng sẽ cuốn me đi trong sự cô đơn như đã từng làm với cha tôi …

Sự lựa chọn đôi khi thật nghiệt nga . Ngày mai, tôi sẽ cùng lũ bạn lên thuyền vào đất liền . Quần áo , sách vở , đồ dùng mẹ đều đã sắp xếp vào một chiếc va li . Ngày mai , tôi sẽ bắt đầu môt cuộc sống tự lập . Mẹ căn dặn rất nhiều thứ làm tôi rối cả ruột . Tôi thầm mong thời gian dừng lại, ngày mai đừng đến vội . Đúng là lúc sắp rời xa nơi đây tôi mới phát hiện ra còn bao nhiêu việc phải làm : Tôi còn phải nấu cho mẹ một bữa cơmmà có lần tôi hứa sẽ trổ tài để mẹ khỏi chê là “Con gái hư ” ; tôi còn phải sang nhà thằng Lâm “béo” để tạm biệt nó và xin lỗi chuyện đêm hôm trước dụ nó đến trường rồi nhác ma khiến nó sợ đến nỗi mấy đêm liền không dám thò đầu ra khỏi nhà…

Tôi bỗng cảm thấy hòn đảo này thân thương lạkì . Tôi ra biển , những vì sao đêmnay thật đẹp , biển cũng hiền hoà như muốn nói lời chia tay vì ngày mai tôi sẽ không còn ngắm biển nữa . Tôi lại cứ ngỡ như đêm nay chính là thời diểm tôi sinh ra đời , thời điểm mẹ tôi vật vã với những cơn đau , thời diểm tôi nhìn lên những vì sao cầu nguyện …. Đâu đó trên biển có lẽ cha tôi đang lo lắng cho tôi ngày mai bắt đầu cuộc sống mới . Nước mắt tôi bỗng trào ra …

Nhất định một ngày không xa tôi sẽ trở về , lại ngắm những ngôi sao lấp lánh trên biển – những ngôi sao đã dệt nên ước mơ hoài vọng một thời trong tôi . Tôi sẽ cùng đám bạn trong cuộc hành trình ngày mai sẽ tìm về dựng xây một ngôi trường cấp III ở hòn đaỏ này để không còn những cuộc chia li như thế này nữa .

Ngày hôm sau trong cuộc chia tay , tôi không hề rơi nước mắt, bởi tôi biết mình không đơn độc . Bên tôi còn có niềm tin của mẹ , ánh mắt của cha, có biển , có những vì sao lấp lánh và biết bao kỉ niệm thân thương nơi hòn đảo này…

NHƯ GIÓ THOẢNG QUA

Trúc Quỳnh

Vừa mới nghỉ hè,cô Thu – bạn mẹgọi điện xin mẹ cho Vi được lên Đà Lại .Khoác ba lô trên vai , Vi mừng không kể xiết vì đây là lần đầu tiên được đến Đà Lạt.Ngồi trên xe mà lòng vẫn cứ lâng lâng… Nhà cô Thu ở trên một con dốc xung quanh được bao bọc bởi một khu vườn đầy hoa,xinh xắn như một toà lâu đài nhỏ.Vừa mới xuống xe Vi đã chạy ngay ra vườn ,bao nhiêu mệt mỏi của một ngày đi đường xa bỗng nhiên tan biến.V i cảm thấy dễ chịu , khoan khoái. ..Tự dưng ,Vi cảm thấy yêu yêu mảnh đất này, yêu cái lành lạnh đặc trưng nơi phố núi.

Biết Vi thích hoa , cô Th u đã dành cho Thu đã dành cho Vi một căn phòng thật xinh xắn.Chỉ cần mở cánh cửa sổ,Vi đã có cảm giác đang ở giữa một khu vườn trong mơ Qua cánh cửa ấy, Vi còn có thể nhìn thấy khu vườn của ngôi nhà sát bên.Hình như, ở đây nhà nào cũng có riêng một khu vườn hay một khoảng đất trống để trồng hoa.Có lẽ vì vậy màngười dân nơi đây ai cũng điềm đạm ,hiền hoà …Khu vườn bên cạnh khiến

Vi có cảm giác vườn nhà cô Thu vẫn còn thiếu một thứ gì .Vậy mà, lúc đầu Vi đã không nhận ra .Vườn nhà cô trồng nhiều loại hoa nhưng lại thiếu loài hoa đặc biệt của Đà Lạt-Cẩm Tú Cầu ,Vi đã từng ao ước một lần được trông thấy tận mắt loài hoa có cái tên lộng lẫy ấy, vậy mà lúc đến đây lại quên khuấy đi mất.Nắng Đà Lạt dịu nhẹ âm ấm. Vừa khẽ vạch rào chui sang rào bên cạnh,Vi vừa thấp thỏm lo sợ. Tính nghịch ngợm lúc đầu bỗng nhiên biến mất thay vào đó là nhịp trống tim thình thình.Thế nhưng ước muốn được có hoa Cẩm Tú làm nỗi sợ hãidần tan biến .Len lén , nhè nhẹ như một chú Mèo con, Vi khẽ khàng bứng một góc hoa trong bụi.Loài cây này bám rễ nông nhưng lại mọc thành khóm, rễ cứ đan vào nhau Vi khẽ bật cườivì cảm thấy loài hoa ấy cũng bướng bỉnh giống mình .

“Ê! Con nhỏ kia! Làm gì đó ?”-Một giọng con trai ồm ồm vang lên khiến Vi giật nảymình, gốc hoa vừa bứng đột ngột rơi xuống đất .Vi cảm giác mặt mình đột nhiên đỏ bừng ,lúng túng. V i chẳng dám ngước mặt lên tự dưng thấy sợ …

-“Nè! Bạn hái trộm hoa nhà tôi phải không?”

Giọng nói đó lại vang lên xoá đi sự im lặmg đáng sợ.Gã con trai đổi cách xưng hô làm Vi ngạc nhiên.Trước mặt là một đứa con trai trạc tuổi Vi, da trăng trắng , hiền hiền ..Thế là Vi quen Kiên- tên gã con trai từ lần gặp gỡ bất ngờ ấy.Cô Thu vẫn hay kể với V i về Kiên. Cô cứ luôn miệng khen hắn hiền và hiếu thảo.Thì ra, K iên chỉ bằng tuổi Vi .Vì thương ông bà tuổi già và cô độc nên Kiên không theo cha mẹ sang nước ngoài mà vẫn ơ lại Đà Lạt. Nghe cô Thu nói hình như năm sau Kiên phải sang đó để sống cùng cha mẹ. Tuy chỉ là người dưng nhưng V i có cảm giác dường như mình đã thân với Kiên tự lúc nào . Chẳng biết vô tình hay cố ý mà cô Thu cứ khen Kiên hoài, lại còn hay gọi K iên sang chơi.Mùa hè như trở nên có ý nghĩa ,thơ mộng hơn nhiều lắm ..Sở thích của Vi và Kiên có nhiều điểm giống nhau :cùng thích xổ dốc Đà Lạt, thích trồng hoa, vừa đạp xe quanh hồ vừa thưởng thức nước đậu nành nong nóng, vừa suýt xoa vì cái lạnh thấm tận vào da thịt rét buốt… Vi còn nhớ có lần đã từng ghen tị với Kiên vì người Đà Lạt ai cũng có nước da trắng hồng, chẳng bù cho nước da ngăm ngăm của Vi.Người Đà Lạt là sự cộng gộp của làn da trắng hồng và những bộ trang phục mùa đông .Vi bảo mình thích giống con gái Đà Lạ t để có thể tha hồ diện áo ấm , choàng khăn cổ, đội những chiếc mũ len xinh xắn.Vi nói những con người Đà Lạt ai cũng xinh xinh,đáng yêu như những chú gấu trắng.Chả trách, ai đến Đà Lạt rồi cũng vấn vương, chăng nỡ rời xa . Cả Kiên cũng yêu tha thiết vùng đất này , yêu những bông hoa Dã Quỳ vàng rực , những con đường mang tên hoa , yêu những con dốc thoai thoải của Đà Lạt … Vậy nên ngày nào Kiên cũng rủ Vi đạp xe qua những con đường đầy hoa Mimosa , Cẩm Tú , những con đường mát rượi rợp bằng lá cây … Và cũng chưa bao giờ Kiên thắng Vi trong những cuộc thi đạp xe xổ xuống những con dốc với phần thưởng là những cốc nước đậu nóng hổi , thơm phức . Hình như những lúc ấy Kiên chỉ toàn muốn để Vi thắng thôi … Có lẽ vì Kiên chỉ muốn được nhìn thấy Vi luôn luôn cười …

Kiên đến , giọng nói ồm ồm vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của Vi : “ Đang mơ tưởng chàng nào đó ? Tui qua mà không thèm đón tiếp à ? “ . Vi cười gượng , buồn buồn : “ Mẹ vừa mới gọi lên . Ngày mai tui phải về rồi . Đang xếp đồ nè !” . “ Gì ? Nhanh vậy sao ?” Kiên thảng thốt . Vi chợt thấy muốn khóc .Ước gì mình đừng gặp Kiên , xa Đà Lạt đã khó, xa bạn lại càng khó hơn.

-“ Thôi bà thu xếp đồ đạc đi .Tui về đây.Tối nay tui sẽ đợi bà ở Hồ Xuân Hương”

Đà Lạt vào đêm lại càng yên tĩnh, thơ mộng.. Những cơn gió lạnh cứ se se lòng người, những đường phố dìu dịu ánh đèn tạo cho người ta cảm giác yên bình ,tĩnh lặng…Vi mặc hai chiếc áo khoác mà vẫn cảm thấy lạnh. Kiên đạp xe song song im lặng khác hẳn thường ngày.

“ Đi chợ đêm nghen ,tôi với ông uống nước đậu nóng đươc không?”.Bất chợt Vi cảm thấy ấm áp lạ kì ,tay Vi nằm gọn trong tay Kiên tự lúc nào.Mặt Kiên cũng đang đỏ bừng.Vi rụt tay , bối rối…Gio thổi từ mặt hồ lên ,buốt lạnh.Hàng cây xao động khẽ khàng .Cái nắm tay của Kiên như làm ấm cả không gian.Hình như có một cái gì đó ấm áp mơn man đang lan toả trong trái tim của hai người… Có cái gì đó rất nhẹ nhàng như những cơn mưa lất phất của đất trời Đà Lạt.Chẳng cần đến nước đậu nóng lòng người cũng ấm nóng ,xuyến xao.

Qùa Kiên gửi đến cho Vi là những bông hoa Cẩm Tú được ép cẩn thận :”Tặng Vi những bông hoaĐà Lạt .Đừng hái trôm hoa nhà người ta nữa nghen, không phải ai cũng hiền như tui đâu đó. Tui sẽ trồng hoa thật nhiều để chờ ai đó hái trộm.Tui sẽ đợi bài báo đầu tiên về Đà Lạt của nhà báo tương lai đó.”

Xe đã rời khỏi Đà Lạt- thành phố thơ nhưng có một đôi mắt cứ dõi theo.. Vi biết mình đã yêu nơi này nhiều lắm’’V isẽ viết bài về Đà Lạt , Kiên à!Viết bằng những cảm xúc chân thành nhất về nơi có Kiên….”

MƯA VÀ NƯỚC MẮT

Ngọc Nga

Thành phố mưa

Trong căn phòng ọp ẹp

Điện tắt

Chợt nhớ quê nhà mấy thưở xa xôi…

Mái nhà tranh xiêu vẹo

Hai mẹ con nhìn nước tràn vào

Mưa tạnh thành phố trở lại nhôn nhịp

Đèn bật sáng

Chạy ra bưu điện gọi về nhà

Mẹ nói:

“Quê mùa này nắng

Mẹ đang hong mớ lúa

It bữa lúa khô mẹ bán gởi tiền lên”

Bật khóc .

NGƯỜI BẠN ĐẶC BIỆT

Thảo Ngân

Ngày… tháng… năm…

Hôm nay ,là ngày đầu tiên mình bước vào ngôi trường này .Thật mới mẻ và lạ lẫm.Thầy cô mới , bạn bè mới , mình không biét bắt chuyện với mọi người ra làm sao

Ngày… tháng… năm…

Không hiểu sao sáng nay mình dậy sớm thế .Có lẽ vì khó ngủ ở một nơi xa nhà.Chẳng biết làm sao mình đành tới trường .Sân trường giờ này vắng hoe, chỉ lác đác vài người đến sớm.Mình bước lên cầu thang vừa lẩm nhẩm giai điệu rân ran, rộn ràng của”Some where I belong”như để bắt đầu một ngày mới.Bất chợt có tiếng nói từ phía sau: “ Bạn cũng mê Lin King Park à?”. Ngạc nhiên quay lại, mình nhận ra một gã con trai khá bảnh với chiếc kính cận .Bỗng hắn hỏi:”Bạn không hát nữa à ?”.

“À! …Ờ!Ra đây tui hát cho mà nghe”.Cả mình và hắn đều bất ngờ với câu nói của mình.Nhưng lời đã rồi thì biết làm sao.Thế là tại một c ái ban công rộng , mình hát cho hắn nghe đủ các thể loại từ dân ca đến pop, rock . Đôi khi mình bắt hắn hát cho mình nghe .Cứ thế cho đến khi sân trường đông người thì mình và hắn cũng chia tay . Chẳng ai biết tên ai .

Ngày tháng năm

Có lẽ theo quán tính , sáng nay mình lại dậy sớm, đến trường sớm và ra đúng cái ban công ấy . Và không hiẻu vô tình hay cố y mà hắn cũng có mặt ở đó .Thế là lại tiếp tục “ hát cho nhau nghe ” , sau đó lại nói đủ moị chuyện trên trời dưới đất .

Ngày tháng năm

Thế là mình đã gặp hắn một tuần . Dường như những cuộc nói chuyện với hắn mà mình có thể hoà nhập dễ dàng hơn với môi trường mới này.Những câu chuyện của hắn nhiều khi làm mình cười đến nghẹt thơ . Nhưng mình và hắn vẫn chưa biết tên nhau .

Ngày tháng năm

Gần tháng rồi mình không ra cái ban công ấy nữa .Cách học của học sinh trường Chuyên cuốn mình vào vòng xoaý của nó lúc nào mà mình không hay.Và dường như mình quên bẵng hắn đi. Sáng nay , khi con mèo nhỏ cọ vào chân thì mình chợt thức dậy khi trời vừa hừng sáng . Theo thói quen cũ , mình đến trường và cũng đến ngay cáiban công ấy . Không còn hắn ở đây nữa . Bất chợt mình bật khóc . Không hiều vì sao.?

Ngày tháng năm

Mình đã đi tìm hắn cả tuần nay nhưng không biết tên hắn thì làm sao tìm được . Giá như lúc đó mình hỏi được ten hắn thì hay biết mấy

Ngày tháng năm

Sáng nay đi trên đường mình nghe vẳng đâu đo bài hát ”Some where I belong” , bài hát mở đầu cho tình bạn kì lạ ngày nào . Thế là bao câu chuyện từ cái ban công ấy chợt ùa vào trong mình.

Cho đến giờ mình cũng chưa thể nào gọi tên vị trí của hắn trong lòng mình . Hắn chợt đến rồi chợt đi ra khỏi cuộc sống của mình nhanh đến nỗi mình không kịp nhận ra hết con người của hắn .Lòng của một đứa con gái vừa buơc vào tuổi 16 như mình lại rạo rực bâng khuâng . Đó gọi là gì nhỉ?

Tuyển thơ học sinh 2004 - 2005 (Văn khoá 6)

HỒN QUÊ

ĐÀO NGUYÊN PHƯƠNG THẢO – Lớp 10V

Q uê nội nghèo lam lũ mấy nắng mưa

Mùa nước lớn.,ngập đồng trắng phau vùi thân lúa

Con lũ bạo tàn hoà nước mắt dân quê

Bão tháng ba , lúa ngã đôi đứt đoạn lòng người

Bữa cơm độn khoai , tủi hờn cực nhọc

Bà nhường cháu bát cơm lưng ít ỏi

Ông sẻ cho con tep nho bát canh rau

Ấm áp tình thương xua cơn giá lạnh

Rồi muà nắng nứt nẻ lỗ chân chim

Lúa cháy đỏ đồng còn đâu hi vọng

Giọt mồ hôi nóng bỏng hay nước mắt lăn dài ?

Lũ trâu gầy xơ xác gặm cỏ khô

Đã mấy mùa nắng mưa không về quê nội

Còn không những ngày vất vả bần hàn ?

Còn không những thân lúa cháy vàng ?

Thổi lộng hồn quê cho lòng tôi mát rượi !

MÙA NẮNG

Đào Nguyên Phương Thảo – Lớp 10 Văn

Que tôi , nắng cháy bờ lau , nướng vàng bãi cát

Nắng nhuộm đỏ lũ trẻ đầu trần đi chài , đụp

Bỏng rát chân mẹ – ghánh hàng con lội qua … bãi cát trưa

Đen sạm vai cha _ chiếc giỏ xe ngày mươi lần thồ khách

Hạt cơm nóng hổi cái nắng và giọt mồ hôi

Nồi cá kho đậm đà , cây tiêu và nồng muối biển

Buổi sáng , nuốt vội miếng cơm , mẹ chạy kịp chợ xa

Tối khuya , và nốt chén lưng cha thở ra mêt mỏi

Tuổi thơ ,

Tôi nếm vị nắng giòn tan lẫn trong hơi biển

Hít căng gió nồm thoảng mùi cá tanh tanh

Nắng sớm , nón lá đội đầu , chạy kịp giờ lên lớp

Nắng trưa , tan trường , dép bẹ chuối qua bãi chuối cát chang chang

Lớn lên ,

Học xa nhà , nơi xứ lạnh mấy mùa qua không thấy nắng

Bỗng ! Nhớ sao cơn gió nồm miền Trung hừng hực

Thoảng trong kí ức , mùi cá tanh hòa muối biển mặn nồng

Gánh hàng con và chiếc xe thồ vẫn lội qua miền nắng yêu thương

NGƯÒI MẸ CỦA CON

PHẠM THU THUỶ – 10 Văn

Mẹ ngồi đó , hàng me đang trút lá

Mắt xa xăm vẫn đợi bóng hình con

Trăng lên cao khi khuyết lúc lại tròn

Nhưng vẫn dịu dõi theo con đi mãi

Con hành quân trên đường đời sống mãi

Cơn sốt rừng đau quá mẹ ơi !!!

Vẳng bên tai như tiếng mẹ xa xôi

“ Gắng con nhé” lòng tôi thêm vững chãi

Đêm từng đêm sao con trằn trọc mãi

Nhớ dáng mẹ côi cút mà con thương

Đường hành quân còn nhiều nắng sương

Cứ yên lòng chờ con mẹ nhé !!!

Tuyển truyện ngắn 04 - 05 - Văn khoá 5

NGOẠI TÔI

Mỗi lần nằm bên cạnh mẹ, mẹ hay kể cho tôi nghe chuyện hồi nhỏ của tôi. Nào là tôi rất bướng, không chịu ăn, nên mỗi lần ăn cơm là mỗi lần tôi bị đánh, bị doạ nạt. Nào là tôi hay tè dầm, hay đòi mẹ gãi lưng khi ngủ. Nào là tôi hay hát một mình trong buồng… Thế nhưng có một chuyện tôi không bao giờ quên được, đó là chuyện về bà ngoại tôi – người mà tôi chưa một lần được thấy mặt.

Lúc ấy, khi tôi chưa tròn hai tháng tuổi, ngoại bị bệnh rất nặng. Chân ngoại không còn vững để nâng nổi tấm thân mảnh khảnh và gầy guộc – ngoại yếu quá rồi!. Căn bệnh đã hành ngoại nằm yên một chỗ. Ngoại rất yêu tôi, điều đó tôi có thể cảm nhận qua lời kể của mẹ. Khi tôi được đưa từ bệnh viện về nhà, ngoại là người sau cùng bế tôi. Trước đó ngoại nói một câu, tuy chỉ qua lời kể của mẹ nhưng đã làm cho tôi nhớ mãi: “Đâu, cháu bà đâu? Đưa đây bà bế cháu bà lần cuối nào!”. Và đêm đó, bà qua đời. Có lẽ bà biết bệnh tật không cho phép bàở lại lâu và chăm sóc tôi được… Dì bế tôi đến bên bà, cánh tay khẳng khiu của bà đã đón lấy tôi. Và tôi có thể hình dung ra ánh mắt bà lúc ấy nhìn tôi như thế nào – âu yếm và trìu mến, mặc dù tôi biết bà không thể nhìn thấy rõ tôi được. Để rồi bây giờ tôi cảm thấy rất tiếc, tiếc sao khi ấy tôi không đủ lớn để gọi ngoại một tiếng: “Bà ơi!”, để đón nhận tình thương của bà, để được giữ mãi chút hơi ấm của một người sắp ra đi.

Giờ đây ngoại không còn nữa nhưng trong tôi sẽ giữ mãi hình ảnh của ngoại theo trí tưởng tượng của tôi trong suốt cuộc đời này. Hình ảnh ngoại mãi mãi sống trong tôi – mãi mãi… !!!

TRẦN THỊ ÁI VY

CÁNH CHUỒN CHỞ NẮNG

“Na ngồi chơi đồ hàng dưới giàn mướp đang nở hoa vàng rực trước sân. Xuyên qua kẽ lá, từng đốm nắng bay nhảy khắp nền đất và cả trên cái đầu cột hai bím tóc lúc la lúc lắc trong thật “khó ưa”. Trên khuôn mặt bầu bầu ánh lên vẻ ương ngạnh đã lấm tấm vài giọt mồ hôi. Bàn tay nhỏ xíu múc từng món ăn sang những cái chén bé tẹo rồi dọn ra mâm, bưng lên cho “khách”. Hàng của Na bán bún phở với những sợi nhỏ xanh rờn được cắt ra từ lá cải cay bà trồng trong vườn còn thịt chính là bông mướp rụng rơi đầy xung quanh…

Có tiếng sột soạt ở góc vườn, một cái đầu con trai thò ra cười hớn hở. Rồi bước chân vội vàng chạy đến dưới giàn mướp:

Chơi lâu chưa vậy Na?

Nghe tiếng hỏi, con nhỏ ngước đôi mắt to tròn lên, rồi như sực nhớ ra điều gì, đôi mày chợt nhíu lại. Nó nguýt dài một cái, lắc hai cái sừng ra đằng sau, ngúng nguẩy bước vô nhà bỏ lại thằng nhỏ tò te chẳng hiểu gì.

Ừ! Làm sao hiểu được Na cơ chứ khi chính Na cũng chẳng hiểu được mình! “Ai bảo hồi nãy rủ chơi thì không chịu để người ta phải chơi một mình! Giờ lại lò dò bước sang, còn tỉnh bơ nữa chứ! Dễ ghét!”.

Leo lên tấm phản gỗ đã lên nước đen bóng, Na sà vào lòng bà, vòng tay bé nhỏ ôm lấy cánh tay nhăn nheo, thủ thỉ:

Bà ơi! Bà kể chuyện cổ tích cho con nghe đi!

Bà vuốt mái tóc tơ mỏng mảnh, hôn nhẹ đôi má phúng phính, giọng ấm áp:

Con không chơi đồ hàng với anh Bo sao?

Na nũng nịu rúc sâu hơn, cuộn tròn như con mèo ướt nằm trong đống tro bếp, giọng thỏ thẻ:

Con ứ thèm chơi với anh Bo nữa đâu. Ai bảo khi nãy ảnh hổng chịu sang chi!

Anh mắt bà âu yếm lướt nhẹ trên vầng trán bướng bỉnh, nở một nụ cười hiền hậu:

Anh Bo còn phải học bài nữa chứ!

Hàng mi dài vút cong cụp xuống như nhận ra lỗi lầm, thoáng chút xấu hổ:

Anh Bo đã lên lớp một rồi bà nhỉ! Anh Bo phải lo viết chính tả nếu không thì không được điểm mười. Mà vậy, cô giáo sẽ đánh. Anh Bo kể cô giáo có cái roi thật to và dài vẫn gác sẵn trên bàn nữa kia. Để phạt học trò hư đấy bà ạ!

Bà gật đầu, tay tháo sợi ruy băng, buộc lại tóc cho Na, nhìn đôi môi chúm chím đang liến thoắng kể chuyện thằng Bo hàng xóm.

Vừa lúc ấy, một bàn chân rón rén bước vào nhà, dáng điệu lóng nga lóng ngóng đến tội nghiệp. Na suýt bật cười thành tiếng trước thái độ kì quặc ấy nhưng… Bản tính vốn kiêu kì của cô bé giả vờ ngó lơ ngoài cửa sổ. Bà cất tiếng bảo:

Lên đây ngồi chơi với bé Na đi con. Rồi coi làm lành chứ nhìn hai đứa giận hờn, bà mệt quá!

Nói rồi, bà đứng dậy ra ngoài vườn hái rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Líu ríu vâng dạ, Bo trèo lên phản một cách nhanh chóng. Thọc tay vô túi quần, Bo lấy ra một bì bóng nhỏ, bên trong có tiếng đập cánh rộn rã. Vụng về đưa ra, Bo khoe:

Xem nè, con chuồn chuồn đẹp không? Anh Bo mới bắt đấy!

Đang làm mặt lạnh, Na cũng quay sang, chúi mắt vào con chuồn chuồn ớt đỏ tươi đang tìm đường thoát đầy vẻ thích thú. Ngây thơ và thành khẩn, Na mỉm cười nhe cái răng sún thiệt là dễ thương:

Cho Na nhen!

Bo nhăn mặt:

Hổng được. Khó lắm anh Bo mới bắt được nó mà!

Na trề môi, hứ lên một tiếng “hổng thèm” rồi tuột xuống phản định chạy đi. Hốt hoảng, Bo cuống quýt chạy theo, vừa hét:

Ừ! Cho Na đó, chút nữa anh bắt con khác cũng được.

Trước cái vẻ lo lắng lẫn tiếc rẻ, Na bật cười như nắc nẻ khiến Bo càng trở nên bối rối. Không để Bo nói thêm, Na mở lời trước:

Thôi hai đứa chơi chung hén!

Rồi, Na chạy vào lục bộ đồ thêu của mẹ cắt lấy một đoạn chỉ ngắn. Hai đứa hí hoáy cột sợi chỉ đỏ vào đuôi con chuồn chuồn, đem ra sân chơi. Vuột tay, con chuồn chuồn bay vút lên trời trước đôi mắt ngẩn ngơ nuối tiếc nhìn theo. Hoà chung đàn chuồn chuồn bay dưới nắng chiều, con chuồn chuồn mang sợi chỉ đỏ lượn lờ trong không trung rồi thi thoảng vút lên một tia chấp chới như rạch không gian thành những khối vô hình. Trên nền đất in rõ muôn vàn cái bóng bé xíu xiu chuyển động không ngừng.

Nhìn hai đứa cháu nhởn nhơ chơi đùa trước sân, ánh mắt bà sáng lên một niềm vui lạ, có gì đó giông giống hai đứa trẻ thơ với ánh mắt biết cười, hoà chung sắc rực rỡ như màu nắng lung linh.”

Chợt có hơi lạnh ở đâu phả vào mặt Na từng cơn nhè nhẹ. Không gian lung linh kia cứ nhoà dần, nhoà dần như có một màn sương huyền ảo. Choàng tỉnh. Thì ra giấc mơ tuổi thơ lại trở về.

Anh Bo chuyển nhà đã năm năm nay, nhưng kỉ niệm có anh vẫn hiện về nguyên vẹn trong kí ức. Không hiểu tại sao, với Na, niềm tin một ngày hội ngộ luôn chan chứa như năm nào. Dẫu cánh chuồn chuồn ngày xưa đã vụt bay mãi mãi nhưng có lẽ trong anh và Na vẫn hướng về đôi cánh mỏng manh chở đầy vạt nắng ấy. Và, thấp thoáng ngoài sân, dường như một chú chuồn chuồn ớt với sợi chỉ đỏ đang vút lên cao, chở theo chở theo cả những ước mơ, niềm tin và hi vọng.

Ở góc sân, dưới giàn mướp đơm bông, hai đứa trẻ đang chơi đồ hàng, ngước mắt nhìn lên trời cao chấp chới cánh chuồn chuồn nhuộm vàng nắng… bay cao… bay xa…

NGUYỄN THỊ LY LY

NẮNG MÙA ĐÔNG

… Đông về, trời se se lạnh những hạt mưa li ti rơi như những hạt bụi không đủ làm người ta ướt nhưng cũng đủ làm rét cóng người… Nó quấn lấy chiếc mền mà cọ vào người như mèo con trú đông. Nó nghĩ “Có trời cũng chưa chắc đã kéo mình ra khỏi chiếc mền thân yêu này…”. Rồi nó loáng thoáng nghe tiếng vọng dưới nhà:

“Má nói với em là con đi đây”

Nó lắng nghe, chợt nhớ ra và thấy lòng buồn buồn. “Anh hai đi thiệt rồi” nó nghĩ như vậy và nhẹ nhàng chạy xuống cầu thang. Nhưng nó chỉ thấy được sau lưng anh với những làn mưa nho nhỏ thôi.

Ngồi thừ ở đó, nó nhìn những bụi mưa bám vào áo anh như những viên pha lê trong suốt, mảnh mai. Nó nhớ về tuổi thơ của nó gắn chặt với phía sau lưng anh. Nó luôn chạy sau anh đùa nghịch, trốn tìm… lém lỉnh nó chờ anh sơ hở là hù, là chọc để rồi cười thật lớn. Nhưng cũng chính phía sau lưng ấy đã chở che cho nó mỗi lần bị má đánh, sợ điều gì nó lại núp sau lưng anh như một phản xạ… Anh thường hay cõng nó trên lưng, chọc nó cười khi nó bị đau. Nó không đẹp nhưng anh lại bảo thích nhìn nó cười bởi đơn giản nó là em gái của anh.

Rồi thời gian thấm thoắt trôi qua, cả anh và nó đều qua rồi cái tuổi thơ kia, hết rồi những trò chơi trốn tìm, những lần núp trốn. Và chính phía sau lưng ấy lại chở nó đi dọc đường phố chỉ để nó khỏi buồn vì những điểm kém hay giận hờn bạn bè vu vơ. Vậy mà chẳng bao giờ nó làm gì cho anh dù chỉ là một câu nói “em thương anh nhất nhà”. Bởi nó cảm thấy sao mà ngượng, mà sến đến thế. Vả chàng là anh em một nhà đâu cần như vậy. Thế nhưng lần anh về nhà nghỉ tết nó đã nói rồi đó, anh ngạc nhiên và cười. Nó nhìn anh cười thấy lòng mình cũng nhẹ theo, nhìn anh nó lại thầm nghĩ đến cái răng khểnh đôi mắt to sâu và trong đó nó không hiểu nổi chính nó nữa. Đôi lúc nó thầm ghen tỵ những nét đẹp nơi anh. Nó luôn nói với anh rằng tại sao anh lại ra đời trước nó rồi dành hết những nét đẹp của ba má kia chứ. Vậy mà anh không giận lại bật cười nói những câu quen thuộc mà nó luôn hờn như mới nghe lần đầu:

Tất nhiên rồi, tui phải đẹp chớ! Nhưng lớn lên tui sẽ kiếm thật nhiều tiền cho cô đi “thẩm mỹ viện” toàn bộ luôn, chịu hông?

Trời sao nó ghét câu nói đó đến thế, rõ ràng là chê nó xấu. Nó bực bội, hậm hực bỏ cơm, không nói chuyện với ai cả. Dường như anh biết lời nói đó làm nó buồn, anh nhìn nó trìu mến và hối lỗi:

- “Anh xin lỗi anh đâu cố ý. Em là đẹp nhất rồi. Em là em của anh mà. Em đẹp thì anh mới đẹp lây chớ. Thôi, ăn đi!

Giận nhiều lắm nhưng trẻ con cứ hay thích làm nũng, giận hờn rồi lại quên ngay. Nó khẽ mỉm cười và đi sau anh. Rồi cũng phía sau lưng đó đã giận dỗi khi nó nói lớn với anh về những ước mơ của anh, nó cho là tầm thường. Nó bảo anh không tốt vì cứ muốn xa gia đình mãi… Nó biết mình sai bởi nó không muốn phải xa anh, nó sợ thành phố ồn ào kia sẽ cuốn lấy anh, anh sẽ không về với vùng gió biển này nữa, nó muốn gia đình nó mãi như ngày xưa…

Nó nói thế mà không biết anh buồn, nó thấy anh im lặng rồi quay mặt đi bước ra cửa. Lúc đó nó mới hiểu ra và ước gì anh quay lại la mắng hay tát nó một cái còn hơn là sự im lặng kéo dài nơi anh. Nó sợ điều đó…

Ngoài trời mưa vẫn rơi nhưng mỗi lúc một lớn hơn, mạnh hơn. Nó ngồi đó nhìn ra phía trước thấy lòng nặng hơn… mưa vẫn cứ rơi… rơi như hối hả ai đó… và nó bỗng đứng phắt dậy, vớ nhanh lấy áo mưa và chạy ra phía cửa. Nó chạy thật nhanh, nhanh nữa, nó sợ những hạt mưa sẽ làm anh của nó đau và nhất là nó sợ sẽ không kịp nói với anh lời xin lỗi… nhưng sao nó tìm hoài mà đâu thấy anh. Hay là muộn rồi… có lẽ nào nó không kịp nói lời xin lỗi với anh. Nó đứng thừ ở đó nhìn phố xá đang cựa mình trong cơn mưa. Mọi người chạy nhanh vào những mái hiên trú mưa, còn nó thì đứng ở đó không buồn nhìn mình nữa, nó nghĩ đã quá muộn rồi… nó buồn nhưng bất ngờ có bàn tay kéo nhanh nó lại và nói:

Đi đâu đây? Chạy nhanh, không thấy mưa à, lỡ bị đau thì sao?

Nó nhận ra giong nói thân thuộc của anh và thấy lòng vui như trẻ nhỏ, nó thấy mình và anh như nhỏ lại cơn mưa bây giờ chẳng qua là trò chơi chạy dưới mưa của anh em nó mà thôi… thật vui… Rồi nó bất giác trở về, nó nói nhanh như sợ anh sẽ đi ngay bây giờ:

Anh hai, em xin lỗi. Anh đừng giận em nghe. Anh đi rồi lại về nha. Đừng buồn em.

Nó đưa áo mưa cho anh. Anh cười. Giờ phút này nó cảm thấy nụ cười ấy thật đẹp và thân thiết quá. Nó thấy sống mũi cay cay khi anh choàng chiếc áo mưa và nói:

Em của anh lớn rồi. Nhưng anh không muốn lần sau về thấy em của mình ốm đâu. Anh hứa, anh sẽ về”.

Hình như chưa bao giờ nó làm gì được cho anh cả lần này cũng vậy, nhưng giờ sao nó thấy nhẹ nhõm, vui đến thế…

… Bíp, bíp. Anh lên xe. Nó đứng đó nhìn nụ cười rạng ngời của anh cùng những tiếng nói thân thương: “Nhớ viết thư cho anh, anh sẽ về…”. Chiếc xe dần chuyển bánh, lăn đều dưới mưa. Rồi xa dần… Nó đứng đó và thầm nghĩ: “Sau cơn mưa trời lại sáng thôi, phải không anh?”.

LÃNH ĐẶNG THU NGA

CHIẾC BÌNH

Tôi đã từng nghe một câu chuyện kể thế này: có hai người yêu nhau, họ đã vượt qua bao gian khổ để đến với nhau nhưng vì công việc người con trai phải đi xa, trước lúc đi chàng trai có trao cho cô gái một chiếc bình quý chứa những phần quan trọng nhất của cuộc đời, chiếc bình anh trao cho người yêu có một mảnh ghép hình với hi vọng khi anh trở về cô sẽ ở bên anh và làm cho bức tranh cuộc đời anh trở nên hoàn chỉnh. Có lẽ trong chúng ta ai cũng vậy, cuộc sống không chỉ do chính mình quyết định, cuộc sống còn do những người quanh ta tạo nên. Nhiều lúc tự hỏi mình sẽ sống như thế nào, sẽ làm gì, sẽ tồn tại ra sao lúc chẳng có ai bên mình? Có lẽ tôi sẽ tự do trong mọi quyết định, không bị ai trách móc, không bị ai thương hại lúc thất bại. Có lẽ là vậy, nhưng chỉ là có lẽ thôi bởi tôi chợt nhận ra rằng nếu vậy ai sẽ nâng tôi dậy lúc tôi ngã, ai chúc mừng , cổ vũ lúc tôi thành công, ai sẽ là người nghe tôi tâm sự những lúc tôi buồn. Tôi biết rằng cuộc đời mình là một mảnh ghép của cuộc sống, tôi biết rằng tôi chỉ là một mảnh ghép trong cuộc đời mình. Tim tôi nói rằng cuộc sống của tôi có mảnh ghép là đôi bàn tay mẹ, là viên phấn của thầy, là nụ cười của bạn. Mắt tôi nói rằng nó muốn cuộc đời của tôi có nhiều màu, màu trắng của bức thư gửi từ phương xa, màu xanh của lá cây ngoài sân trường, màu của hoa đào, hoa mai nở khi nàng xuân tha thướt đến. Tôi sẽ nhặt tất cả những mảnh ghép cất vào chiếc bình quý để lại một khoảng lặng trong tim, một khoảng lặng đầy hoa và nắng.

NGỌC DIỄM

Tuyển thơ học sinh 2004 - 2005 (Văn khoá 5)

SỎI THUỶ TINH

Em chạy về cuối trời

Nơi con chim vút cánh bay lên tầng không

Giữa buổi chiều tím ngắt

Cánh chim bay lên… tuổi thơ chạy ngược

Trở về!

… Về ngày xưa

Khi cổ tích vẫn còn là sự thật

Nàng Bạch Tuyết còn say sưa ngon giấc

Và bùn nâu còn lấm tấm môi cười

… Về ngày xưa

Em muốn làm mưa rơi

Tắm ước lá bên bờ ao ếch gọi

Hàng dâm bụt đom đóm giăng le lói

Của buổi chiều

Ơ! Lật mặt hoàng hôn

Em chạy về

Miền trẻ dại ngày ấy

Về nơi xa chim vút cánh lên trời

Về nơi đó ướt đẫm hạt mưa rơi

Những giọt mưa

Tan vỡ

Lấp lánh nghìn hạt sỏi thuỷ tinh

LÊ ANH NGUYỆT

TÌNH ĐỜI

Cánh cò chao đổ chiều mưa

Buồn dâng ngập lối cho vừa xót xa

Chân trời, ráng đỏ còn pha

Gầy hao dáng mẹ đi qua cõi đời!

NGUYỄN THỊ LY LY

TẢN MẠN ĐÔNG

Vắng mặt trời gió đi rong

Lang thang

Giận…

Gió chờ mong.

Khói đồng

Chợt buồn lại sắp mùa đông

Nôn nao khát chút hơi nồng ngày xưa.

NGUYỄN THỊ LY LY

GỬI THẦM

Tôi gửi thầm lên bàn học của em,

Bông hoa tươi lần đầu tôi biết tặng.

Em khẽ nhận nhưng trong lòng lo lắng,

Ai đang nhìn em từ phía sau lưng?

Tôi gửi thầm lên bàn học của em,

Bông hoa tươi lần thứ hai tôi tặng.

Em nhận rồi, sao lòng tôi lo lắng,

Lỡ em biết mình, em chẳng muốn làm quen.

Tôi gửi thầm trong lần hẹn đầu tiên,

Nhiều câu nói tôi đã tập nhiều lắm

Gặp mặt nhau tôi, em điều im lặng,

Chẳng dám nhìn, chẳng biết nói chi đây

Tôi gửi thầm trái tim tôi vào mây,

Mong gió thổi đưa mây về bên ấy.

Nhỡ hôm nào em bất chợt nhìn thấy,

Đừng vờ như không biết em nha!

NGUYỄN QUỲNH TRỌNG ĐỨC

Tuyển thơ học sinh 2004 - 2005

THƠ BÙI ĐÌNH VINH

ĐIỀU GIẢN DỊ

Có những người cõng cái chữ lên non

Lên những bản làng quanh năm sương phủ

Mẹ – cô giáo thành thị về miền quê dạy học

Những chớm đông rét mướt cả con đò

Mùa mưa về với những nỗi âu lo

Mẹ qua sông bất kể sóng lồng dữ dội

Mẹ đã từng cuốn theo dòng nước bạc

Đối mặt với tử sinh, thấp thoáng đời người!

Những công thức hoá, những bài toán sinh

Mẹ cặm cụi với những giờ lên lớp

Trong giáo án cũng gầy theo mắt mẹ

Trong đêm khuya mẹ lặng lẽ một mình

Kỷ niệm ngày xưa mẹ có hãi hùng

Trong giấc mơ có làm mẹ nhớ

Con dẫm bàn chân mình nghe cát kể

Chuyện ngày xưa… sao gió sóng trong lòng

Năm tháng đã qua mẹ không còn trẻ nữa!

Dòng sông thì có lẽ cũng không già

Nó vẫn xanh như tóc mẹ thời con gái

Vẫn miên man dài như tình mẹ bao la?

Con đứng trước dòng sông đã ấp đầy tuổi thơ con

Gọi con đò như xưa mẹ từng gọi

Chỉ tiếc rằng con đò không trả lời điều con hỏi

Mẹ như sông hay sông như mẹ hiền hoà

BÙI ĐÌNH VINH

GIÓ TỪ ĐÂU?

Có phải gió từ biển thổi lên nồng nàn

Chất muối kết tinh thành trai ngọc

Như nước mắt của Mỵ Châu từng khóc

Hạt cát thời gian theo cơn gió lăn dài

Có phải gió bắt đầu từ rừng thiêng lồng lộng gió

Nghe âm vang tiếng vó ngựa cô thần

Hay ngọn gió từ trang Kiều mười lăm năm lưu lạc

Thành sóng trùng dương bạc xoá đến vô ngần

Có phải gió ra đi từ lòng đất Mẹ

Hôn lên những vóc dáng không hình hài không tuổi tên

Lên miệt đồng bằng, lời ru khe khẽ

Lá đu đưa – con mơ giấc phiêu bồng

Ngọn gió thổi vào hương đêm cho cây cỏ say mềm

Và có lẽ đối với tôi gió bắt đầu từ đó

Gió mùa lên từ phía mắt môi em.

BÙI ĐÌNH VINH

NGẪU HỨNG MY LĂNG

Bến My Lăng bao trăng rồi rơi lả tả

Chốn Bồng lai trên sóng nước mịt mờ

Có ánh trăng lung linh xao vỡ

Gấp gáp tiếng gọi đò run rẩy – bến My Lăng

Ông ngư gối đầu lên trang sách say trăng

Để hồn viễn du vẩn vơ về cõi mộng

Lặng lẽ thuyền tình rời theo con sóng

Những lá vàng cháy đỏ cả lòng sông

Chiều trải dài như con nước ngàn xưa

Có cập bến nơi Đường thi bảng lảng?

Trăng say trăng mơ cho hồn vất váng

Bến My Lăng khua sóng nước vọng về

Dẫu cho cuộc đời trăm ngàn những giấc mơ

Mà giấc mơ chỉ toàn những điều không có thật

Nên tiếng gọi của chàng kị mã như người hành khất

Hành khất giữa cuộc đời và hành khất giữa cơn mơ

BÙI ĐÌNH VINH

BẮT ĐẦU

Cây xanh bắt đầu bằng lớp vỏ hạt của mầm

Màu vàng của lúa bởi mồ hôi nồng mặn

Ánh mắt mẹ hiền bắt đầu từ những gì sâu lắng

Và tôi đã bắt đầu yêu.

Đêm đêm vẫn người quét rác ngoài đường

Tiếng sỏi va vào từng hạt sạn khô khan

Sỏi đá vô tri vô giác

Trăng xuyên qua lấp lánh tâm hồn

Tôi đã bắt đầu yêu những buổi hoàng hôn

Có nỗi nhớ đốt nắng vàng rực rỡ

Những cánh buồm xa lồng lộng gió

Chở yêu thương đến với bến bờ

Tôi đã bắt đầu yêu những cơn mưa mùa hạ bất ngờ

Cho cây cối xanh chồi biếc lộc

Người hồn nhiên và dịu dàng như lần đầu biết khóc

Bởi mưa đưa về bao kỷ niệm xa xưa

Tôi đã bắt đầu yêu những buổi ban trưa

Đường lấp loá nắng, bụi và cát bỏng

Áo em trắng suốt một đời biển xanh nổi sóng

Những đợt sóng nào anh đã bắt đầu yêu.

BÙI ĐÌNH VINH


Tuyển thơ học sinh 2003 - 2004

Thơ học trò Lê Quý Đôn

1. Nữ sinh - Nguyễn Thị Trúc Quỳnh

2. Bình thơ: Gửi tháng 11 (Nguyễn Bạch Dương) - Nguyễn Đinh Nhị Giang

3. Bâng khuâng - Nguyễn Hà Huyền Trân

4. Nhớ quê - Nguyễn Hà Huyền Trân

5. Hoa cỏ may - Lê Anh Nguyệt

6. Bến cả - Lê Anh Nguyệt

7. Tháng Sáu - Nguyễn Thị Ngọc Diễm

8. Chia Tay - Nguyễn Thành Đức

9. Ngoại - Trần Nguyễn Ngọc Diệu

10. Con gái học Văn - Nguyễn Cẩm Hà

11. Hương lúa - Bùi Đình Vinh


Nguyễn thị Trúc Quỳnh

Nữ sinh

Lần đầu em mặc áo dài

Bím tóc lúc lắc trên vai

Ba dắt xe ra tận ngõ

Mẹ bước vội theo dặn dò

Mẹ khen con gái mẹ xinh

Thẹn, em cười khẽ một mình

Bím tóc đong đưa ngộ nghĩnh

Đỏ ửng khuôn mặt, càng xinh

Tay em giữ chặt tà áo

Ngượng ngùng, lúng túng làm sao!

Em sợ lỡ mình vấp ngã,

Lỡ mình... như thế thật là...

Áo dài ơi, ghét chi lạ!

Nhưng cũng thương quá đi mà

Con gái lần đầu đến lớp

Trong áo dài trắng thướt tha.


Bình thơ: Gửi tháng mười một

(Nguyễn Bạch Dương)

Thưa thầy con kịp lớn khôn

Trường đình đã mất đâu còn dấu xưa

Con đầy ngày nắng ngày mưa

Lưng thầy còng chuyến đò đưa nối bờ

+

Con cầm vụng dại câu thơ

Nụ hồng đỏ thắm biết giờ gửi đâu?

Mùa nước lũ sông đục ngầu

Con run run bước qua cầu rưng rưng

+

Dáng thầy in bóng chập chùng

Nhỏ nhoi con đếm tưởng chừng lá trôi

Bàn tay con giữ chơi vơi

Thầy không níu giữ - lá rơi xa ngàn

+

Con về gõ cửa, hân hoan

Tháng mười một với rộn ràng nhớ ơn

Con thèm trở lại mái trường

Khoanh tay cuối lớp... nghe thơm lời thầy!

Khi soi mình vào dòng thời gian bất tận, thấy mình giờ đây đã lớn khôn cũng chính là lúc ta chợt nhận ra những ngày xưa yêu dấu đã xa xôi biết dường nào. Và điều còn sót lại chỉ là những ký ức của một thời đã qua. Bài thơ Gửi tháng mười một được mở đầu bằng hình ảnh của một cậu học trò đang khoanh tay, cúi đầu trước hoài niệm trường xưa, thầy cũ và lễ phép thưa:

Thưa thầy con kịp lớn khôn

Trường đình đã mất đâu còn dấu xưa

Con đầy ngày nắng ngày mưa

Lưng thầy còng chuyến đò đưa nối bờ

Mỗi lứa học trò được thầy dạy dỗ từ cái không biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều. Thầy đã dốc hết sức của mình để vun vén, chăm bón để cho những cây đời non tơ kia lớn lên. Mỗi lần ấy chính là chuyến đò mà thầy chèo chống giữa dòng sông Cửu Long mêng mông. "Chuyến đò đưa nối bờ" ấy cứ thế nối tiếp nhau từ lứa này sang lứa khác, từ những bến bờ đầu tiên tiếp bước ra nghìn trùng xa xôi. Và chúng ta - những người học trò dẫu có đi năm châu bốn bể vẫn không thể nào quên được chuyến đò đầu đời. Những chuyến đò là những bài học đầu tiên của mỗi con người bước ra từ ghế nhà trường.

Có lẽ bài thơ của Nguyễn Bạch Dương đã đụng đến những tấm lòng thầm kín với những nỗi niềm, tâm sự chưa dám nói ra. Và bốn câu thơ đầu của bài thơ đã ôm trọn những ý tứ của các khổ thơ còn lại, khắc hoạ đậm nét công lao của thầy. Hình ảnh "lưng thầy còng chuyến đò đưa nối bờ" đã in đậm trong lòng người đọc. Qua bao năm tháng chèo chống, thầy đã già đi và mệt mỏi vì đã đưa bao lứa học trò đến bờ trí thức, bao ngày nắng, bao ngày mưa đã làm bạc phai màu áo. Và có lẽ dáng dấp thầy cũng thay đổi nhiều. Từ "còng" đã gợi lên bóng dáng của thầy thật nhỏ nhoi. Hình ảnh ấy giống như hình ảnh mẹ "oằn" vai sớm tối vất vả lo cho chúng con. Chắc là vậy, tình thầy cũng bao la như tình mẹ và nó sẽ vang vọng mãi trong lòng của chúng ta.

Bốn câu thơ tuy giản dị mà chân tình, nó thấm đẫm tình cảm "tôn sư trọng đạo" của một người học trò nhỏ đối với thầy khi ngày đầu đến lớp. Hai từ xưng hô Thầy và Con không được đánh bóng màu mè mà nó được thốt lên bằng một sự chân thành vốn có, làm tôn thêm cảm xúc, kỷ niệm xuyên suốt bài thơ. Lời thơ một mạc nhưng có sức ngân vọng của thời gian. Bài thơ đã làm sống lại những ký ức tuổi thơ trong lòng mỗi chúng ta.

Nguyễn Đinh Nhị Giang

Nguyễn Hà Huyền Trân

BÂNG KHUÂNG

Tan học thì đường ai nấy đi

Lại theo người ta chẳng nói gì,

Cứ vờ nhìn lá mây trên phố

Rực hồng hoa phượng đến mùa thi

Chiều chiều, "người ấy" lại đi qua

Hôm nay sao đứng lại bên nhà

Len lén nhìn lên song cửa sổ

Một giàn giấy tím đã nở hoa

Tan học chiều nay không có ai

Lặng lẽ đi theo trên lối dài

Phố vẫn đông, sao thấy vắng

Ngu ngơ với gió, bước chân nai

"Người ấy" ra trường vào năm nay

Sân trường vắng ngắt chợt buồn thay

Tiếng ve ngân khúc, thênh thang nhớ

Bất giác vu vơ bỗng nhớ ai.

NHỚ QUÊ

Lên thành phố đã ba năm

Xôn xao trong những đêm nằm nghe mưa

Biết cha đang bận cày bừa

Mẹ lo nhà dột, phên thưa, gió lùa

Thèm ăn cá lóc canh chua

Mẹ mình vẫn nấu mỗi mùa gặt xong

Chiều chiều đi giữa phố đông

Học trò tỉnh lẻ nhói lòng nhớ quê


Lê Anh Nguyệt

HOA CỎ MAY

Hoa cỏ may

Rơi nhẹ nhàng

Theo gót em về trên con đê nhỏ

Vướng mắt ai nhìn

Bỗng, xa xăm!

Một trời hoàng hôn

Mắt em xanh

Trong thơ ngây biếc lạ

Một mùa hạ vô tình

Lững thững vội đi qua

Cơn mưa hạ

Rơi áo ai, khắc khoải!

Hay mắt em nhìn

Vẫn vô tình như thuở mây trôi...

Rồi một ngày,

Hoa cỏ may

Đưa nỗi buồn

Vào lòng ai thương nhớ

Chợt bỡ ngỡ

Đưa gót quay về

Vấp lối cũ

Hoa cỏ may

Bay...!

Lê Anh Nguyệt

BẾN CẢ

Ngày qua ngày, con ngóng thời gian trôi lặng lẽ

Năm tháng xa nhà con nhớ quá mẹ ơi!

Thành phố phồn hoa nhưng trôi qua vội vã

Đêm khuya về lầm lũi tiếng chổi thưa

+

Con đường xưa về quê mẹ sao xa tắp

Bụi quay về lấp loá dấu chân con

Mẹ lên thăm với đôi mắt mỏi mòn

Gió thời gian thổi tóc mẹ thêm bạc

+

Ôi, những mùa đông trôi qua sao buốt rát

Chắt chiu quê nghèo mẹ lặn lội nuôi con

Bao yêu thương, hy vọng mãi luôn còn

Dãi dầm nắng mưa, nét son mẹ phai dấu

+

Thời gian trôi như giấc mơ sầu vắng

Giật mình con kêu Mẹ giữa đêm khuya

Dù mai đây con mê mải chưa về

Tiếng kêu mẹ con vẫn còn nhớ mãi

+

Đêm nay thời gian lại trôi lặng lẽ

Ngóng về quê, con nhớ mẹ quá thôi

Sóng cuộc đời đưa đẩy con dạt trôi

Thì mẹ vẫn là nơi con gối bãi .


Nguyễn Thị Ngọc Diễm

THÁNG SÁU

Tháng Sáu!

Nắng mật ong lát vàng cửa sổ

Gió lung lay trĩu nặng quả, hương về

Lá phượng xanh thay bằng hoa áo đỏ

Tìm ở đâu bóng dáng tuổi học trò.

Nguyễn Thành Đức

CHIA TAY

Tặng 12 Văn thân yêu

Có mùa hoa phượng vĩ không tên thành hò hẹn

Đỏ cái nhìn vương vấn lúc chia tay

Cô bạn gái ngại ngùng không dám khóc

Nghèn nghẹn lời trong sống mũi cay cay

Có tiếng ve suốt một thời không ai hay

Chỉ lúc đứng cạnh nhau mới thấy buồn đến thế

Mười hai năm ve kêu như thành lệ

Bước đi không đành mà ngoảnh lại buồn hơn

Thao thức bao ngày qua tiếng trống trường

Lúc chia tay thèm được giật mình rồi chạy

Giờ dò bài, phút ra chơi, cả những lần đi học muộn

Bây giờ cũng thành ký ức chìm sâu

Xưa cứ trách "bằng lăng tím" đâu đâu

Giờ mới thấy hoa có màu nỗi nhớ

Tím miên man, tím chùng thời gian đang căng nghẹn thở

Của mùa thi mỗi lúc mỗi gần

Có người bạn đến phút cuối rồi mới thân

Có mái tóc giờ chia tay mới biết mình rất nhớ

Trong lưu bút có bài thơ chép rồi mà vẫn sợ

Ngại ngùng đưa - hồi hộp đợi... chợt thở phào!

Chia tay nhé, mùa hạ - bọn mình đều bỗng lớn

Chẳng nói nhiều mà hiểu biết bao nhiêu

Còn gặp lại nhưng mùa hè không ở lại

Thế mới thành kỷ niệm thân yêu

25 - 7 - 2003

Trần Nguyễn Ngọc Diệu

NGOẠI

Lại qua thêm một mùa khô nắng gắt

Ngoại xa con chốc đã bốn năm rồi

Nhưng dáng ngoại thân yêu con mãi giữ

Trong tâm hồn con trẻ thơ ngây

Con nhớ mãi những buổi trưa đầy nắng

Ngủ giả đò rồi lẻn đi trèo cây

Ngoại đón con với ánh mắt nghiêm nghị

Vẻ mặt buồn và chiếc roi trên tay

Theo năm tháng con lớn lên và hiểu

Mình ngày xưa đã làm ngoại buồn nhiều

Làm sao chuộc được lỗi lầm hả ngoại?

Bây giờ con mới khóc, ngoại ơi!


Nguyễn Cẩm Hà

CON GÁI HỌC VĂN

Con gái học Văn

Sao chẳng dịu dàng gì hết vậy?

Quậy tưng bừng như một lũ quỷ con

Con gái học Văn

Nên ăn hàng khiếp nhỉ?

Mỗi giờ chơi đứng chật cả căn tin

Con gái học Văn

Nên hay mộng tưởng

Người lúc nào cũng thơ thẩn thẩn thơ

Con gái học Văn

Hèn gì dữ quá

Anh nào ngon chọc thử mà coi

Con gái học Văn

Sao giỏi đến thế?

Việc của mày râu mà làm cứ băng băng

Con gái học Văn

Nên duyên khủng khiếp

Để bao chàng ngơ ngẩn đứng làm thơ

Con gái học Văn

Nên kênh đời dễ sợ

Biết người ta thương rồi mà vẫn cứ làm ngơ.

Bùi Đình Vinh

HƯƠNG LÚA

Hương lúa làng tôi vùng quê lam lũ

Mỗi chiều thu sao ngan ngát, mặn mà?

Tôi nhớ quá mùi cọng rơm, cọng rạ

Trải bên hè lấm tấm dáng mẹ qua

Những tháng mười nước ngập trắng đồng quê

Màu bàng bạc lúa nghẹn ngào tức tưởi

Dân làng tôi bơi xuồng đi cắt vội

Nước mắt lăn dài giá rét tái tê

Giờ tôi ngồi thấp thỏm những cơn mưa

Tôi lại nhớ mùi mặn nồng của lúa

Ôi nhớ mong hay lòng tôi thắp lửa

Mùa gặt này mẹ cắt lúa hay chưa?

B.Đ.V