BÌNH CHỌN

BÌNH CHỌN SÁNG TÁC NHỚ CHỌN BÀI ĐĂNG CŨ HƠN và BÌNH THEO CÁC MỨC Hay , Khá, Trung bình, Dở

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

CHIỀU HOÀNG HÔN [10T-L]

Chiều….
Mặt trời đang lặn.
Nhớ quê…
Quê nó xa, một vùng quê nghèo nơi cái đất Nghệ nằng nỏ. Nhưng nó vẫn thích cái cảm giác thư thái khi bước trên con đường làng, con đường nằm giữa hai hàng nhãn nhìn xuống cánh đồng. Mỗi lần về quê, nó lại xuống xe trước ngõ làng, rảo bước theo con đường thân thuộc, để ngắm nhìn làng xóm, hàng cây, ngắm nhìn những cánh đồng lúa đang trồ đòng nặng hạt, ngắm nhìn ánh hoàng hôn rực đỏ mảnh hồn làng. Bình yên, tĩnh lặng. Làn khói bếp quẩn quanh trên những nóc nhà, những hàng cây, mờ ảo. Chợt bắt gặp một khoảng không xao động tiếng ve chiều...
Nhớ phiên chợ quê cứ ba ngày họp một buổi. Nhớ đêm ba mươi cùng bà đi hái lộc năm mới. Nhớ đêm trung thu rước đèn, phá cỗ. Nhớ mùi bánh đúc, ngô bung của bà. Nhớ những ngày cùng lũ trẻ trong xóm trộm me, trộm nhãn ven đường. Nhớ…
Những kí ức quê hương ngày ấy, ngày nó còn trẻ thơ, dường như còn mãi, ở đây, trong tim, gắn liền với hình ảnh của người bà, đã dành cho nó những kỉ niệm ấu thơ êm đẹp.
Những chiếc bánh bà làm, những chiều bà dẫn ra đồng ngắm từng cánh cò chao lượn, những buổi ngồi trông bà lụi cụi nấu ăn bằng chiếc bếp lò đã cũ. Những hình ảnh đó đọng lại, ngày qua ngày, trong hồi ức ấu thơ của nó, như một bức tranh, một thước phim, quay chầm chậm, ghi lại những dấu ấn của tuổi thơ, một tuổi thơ êm đềm, có gia đình, có cái xóm quê nghèo của nó.
Chiều. Hoàng hôn in trong mắt.
Khi ấy, nó chơi bắn bi, đánh đáo, trốn tìm giữa mảnh vườn thênh thang, giữa màu nắng chiều rực rỡ. Những cơn gió hiu hiu làm buồn ngủ đôi mắt nó. Nhưng cứ chơi cái đã, chỉ chốc nữa thôi là nó đã lăn kềnh ra đánh một giấc sau khi ngấu nghiến bữa cơm chiều…
Bây giờ nó đang ngồi ôm cuốn sách toán dày cộp, “tụng” những trang lịch sử dài “vô tận”, viết hàng loạt công thức vật lý ra tờ giấy mà cứ nhầm đó là tờ nháp và ném vào sọt rác.
Khi ấy nó thả diều trước cơn gió đồng mang theo mùi lúa và lắng ghe tiếng sáo diều trong veo…
Bây giờ nó nhìn thấy lũ trẻ con thả những chiếc diều ni lông trên bãi cỏ giữa trung tâm thành phố. Đủ màu sắc. Đi tìm tiếng sáo diều trong gió chiều tắt nắng liệu sẽ mãi chỉ là giấc mơ...
Khi ấy nó lang thang ra đầu ngõ và ngồi nhâm nhi món bánh đúc quen thuộc, hưởng thụ chút không khí tĩnh lặng xế chiều.
Bây giờ quán net dễ tìm thấy hơn hàng bánh. Trẻ con không còn biết thưởng thức những thứ ấy nữa, mà đang chúi đầu vào những trò chơi điện tử. Những từ pháo đất, đánh khăng, hay “kim kỉm kìm kim”, đã đi vào dĩ vãng.
Khi ấy, bây giờ….
Nó muốn về quê để tìm lại những tháng ngày ấy. Quê hương vẫn thế. Gia đình vẫn luôn còn đó. Kí ức tuổi thơ không thể phai nhạt. Nhưng liệu mọi thứ vẫn nguyên vẹn như ngày ấy chăng?
Ngôi chùa làng không còn như trước, những kèo những cột được thay bằng bê tong, cốt thép, mái đình chẳng cong vì lợp bằng ngói xi măng. Nó thèm đến nao lòng không khí Tết của sáng mồng một năm xưa. Hương trầm nghi ngút, nước mùi già như rửa sạch mọi vương vấn lo toan…
Ông bà lần lượt rời xa nó để đi về cõi xa xôi. Mẹ chẳng còn nấu bánh đúc, bánh nện vì đã có bao món ăn khác thay thế. Bố chẳng còn đứng cạnh thanh chắn, chờ đoàn tàu đi qua mỗi ngày. Nhà nó chuyển về một thành phố xa lạ sinh sống.
Nó muốn tìm một thứ gì không thay đổi. Hoàn toàn không thay đổi…
Nhưng chính nó cũng thay đổi. Con bé ngày xưa nô đùa cũng lũ bạn buổi xế chiều, đêm đêm lại say sưa nghe bà kể chuyện, giờ đây, chỉ suốt ngày cắm đầu vào những con số, những tính toán, những mối suy luận lô- gíc. Trừ những lúc đi học ở trường ra, máy tính của nó bật suốt. Nó chỉ còn biết học và lên mạng mọi lúc có thể. Lòng quyết tâm học tập để về xây dựng quê hương đã không còn cháy bỏng. Nó đã thay đổi, thực dụng hơn và nghĩ về mình nhiều hơn. Ngày càng xa quê và càng ít khi trở về, đôi lúc thấy xa lạ lạc lõng giữa con đường thân thuộc. Lời hứa năm xưa với bà con đã không thể làm.
Chẳng có gì không thay đổi cả…
Mặt trời đã tắt rồi.

___________________________________
Hoàng Tố Quyên-Toán K11
(BÀI BỊ LOẠI VÌ VI PHẠM QUI ĐỊNH CUỘC THI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét