BÌNH CHỌN

BÌNH CHỌN SÁNG TÁC NHỚ CHỌN BÀI ĐĂNG CŨ HƠN và BÌNH THEO CÁC MỨC Hay , Khá, Trung bình, Dở

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Tuyển truyện ngắn 04 - 05 - Văn khoá 5

NGOẠI TÔI

Mỗi lần nằm bên cạnh mẹ, mẹ hay kể cho tôi nghe chuyện hồi nhỏ của tôi. Nào là tôi rất bướng, không chịu ăn, nên mỗi lần ăn cơm là mỗi lần tôi bị đánh, bị doạ nạt. Nào là tôi hay tè dầm, hay đòi mẹ gãi lưng khi ngủ. Nào là tôi hay hát một mình trong buồng… Thế nhưng có một chuyện tôi không bao giờ quên được, đó là chuyện về bà ngoại tôi – người mà tôi chưa một lần được thấy mặt.

Lúc ấy, khi tôi chưa tròn hai tháng tuổi, ngoại bị bệnh rất nặng. Chân ngoại không còn vững để nâng nổi tấm thân mảnh khảnh và gầy guộc – ngoại yếu quá rồi!. Căn bệnh đã hành ngoại nằm yên một chỗ. Ngoại rất yêu tôi, điều đó tôi có thể cảm nhận qua lời kể của mẹ. Khi tôi được đưa từ bệnh viện về nhà, ngoại là người sau cùng bế tôi. Trước đó ngoại nói một câu, tuy chỉ qua lời kể của mẹ nhưng đã làm cho tôi nhớ mãi: “Đâu, cháu bà đâu? Đưa đây bà bế cháu bà lần cuối nào!”. Và đêm đó, bà qua đời. Có lẽ bà biết bệnh tật không cho phép bàở lại lâu và chăm sóc tôi được… Dì bế tôi đến bên bà, cánh tay khẳng khiu của bà đã đón lấy tôi. Và tôi có thể hình dung ra ánh mắt bà lúc ấy nhìn tôi như thế nào – âu yếm và trìu mến, mặc dù tôi biết bà không thể nhìn thấy rõ tôi được. Để rồi bây giờ tôi cảm thấy rất tiếc, tiếc sao khi ấy tôi không đủ lớn để gọi ngoại một tiếng: “Bà ơi!”, để đón nhận tình thương của bà, để được giữ mãi chút hơi ấm của một người sắp ra đi.

Giờ đây ngoại không còn nữa nhưng trong tôi sẽ giữ mãi hình ảnh của ngoại theo trí tưởng tượng của tôi trong suốt cuộc đời này. Hình ảnh ngoại mãi mãi sống trong tôi – mãi mãi… !!!

TRẦN THỊ ÁI VY

CÁNH CHUỒN CHỞ NẮNG

“Na ngồi chơi đồ hàng dưới giàn mướp đang nở hoa vàng rực trước sân. Xuyên qua kẽ lá, từng đốm nắng bay nhảy khắp nền đất và cả trên cái đầu cột hai bím tóc lúc la lúc lắc trong thật “khó ưa”. Trên khuôn mặt bầu bầu ánh lên vẻ ương ngạnh đã lấm tấm vài giọt mồ hôi. Bàn tay nhỏ xíu múc từng món ăn sang những cái chén bé tẹo rồi dọn ra mâm, bưng lên cho “khách”. Hàng của Na bán bún phở với những sợi nhỏ xanh rờn được cắt ra từ lá cải cay bà trồng trong vườn còn thịt chính là bông mướp rụng rơi đầy xung quanh…

Có tiếng sột soạt ở góc vườn, một cái đầu con trai thò ra cười hớn hở. Rồi bước chân vội vàng chạy đến dưới giàn mướp:

Chơi lâu chưa vậy Na?

Nghe tiếng hỏi, con nhỏ ngước đôi mắt to tròn lên, rồi như sực nhớ ra điều gì, đôi mày chợt nhíu lại. Nó nguýt dài một cái, lắc hai cái sừng ra đằng sau, ngúng nguẩy bước vô nhà bỏ lại thằng nhỏ tò te chẳng hiểu gì.

Ừ! Làm sao hiểu được Na cơ chứ khi chính Na cũng chẳng hiểu được mình! “Ai bảo hồi nãy rủ chơi thì không chịu để người ta phải chơi một mình! Giờ lại lò dò bước sang, còn tỉnh bơ nữa chứ! Dễ ghét!”.

Leo lên tấm phản gỗ đã lên nước đen bóng, Na sà vào lòng bà, vòng tay bé nhỏ ôm lấy cánh tay nhăn nheo, thủ thỉ:

Bà ơi! Bà kể chuyện cổ tích cho con nghe đi!

Bà vuốt mái tóc tơ mỏng mảnh, hôn nhẹ đôi má phúng phính, giọng ấm áp:

Con không chơi đồ hàng với anh Bo sao?

Na nũng nịu rúc sâu hơn, cuộn tròn như con mèo ướt nằm trong đống tro bếp, giọng thỏ thẻ:

Con ứ thèm chơi với anh Bo nữa đâu. Ai bảo khi nãy ảnh hổng chịu sang chi!

Anh mắt bà âu yếm lướt nhẹ trên vầng trán bướng bỉnh, nở một nụ cười hiền hậu:

Anh Bo còn phải học bài nữa chứ!

Hàng mi dài vút cong cụp xuống như nhận ra lỗi lầm, thoáng chút xấu hổ:

Anh Bo đã lên lớp một rồi bà nhỉ! Anh Bo phải lo viết chính tả nếu không thì không được điểm mười. Mà vậy, cô giáo sẽ đánh. Anh Bo kể cô giáo có cái roi thật to và dài vẫn gác sẵn trên bàn nữa kia. Để phạt học trò hư đấy bà ạ!

Bà gật đầu, tay tháo sợi ruy băng, buộc lại tóc cho Na, nhìn đôi môi chúm chím đang liến thoắng kể chuyện thằng Bo hàng xóm.

Vừa lúc ấy, một bàn chân rón rén bước vào nhà, dáng điệu lóng nga lóng ngóng đến tội nghiệp. Na suýt bật cười thành tiếng trước thái độ kì quặc ấy nhưng… Bản tính vốn kiêu kì của cô bé giả vờ ngó lơ ngoài cửa sổ. Bà cất tiếng bảo:

Lên đây ngồi chơi với bé Na đi con. Rồi coi làm lành chứ nhìn hai đứa giận hờn, bà mệt quá!

Nói rồi, bà đứng dậy ra ngoài vườn hái rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Líu ríu vâng dạ, Bo trèo lên phản một cách nhanh chóng. Thọc tay vô túi quần, Bo lấy ra một bì bóng nhỏ, bên trong có tiếng đập cánh rộn rã. Vụng về đưa ra, Bo khoe:

Xem nè, con chuồn chuồn đẹp không? Anh Bo mới bắt đấy!

Đang làm mặt lạnh, Na cũng quay sang, chúi mắt vào con chuồn chuồn ớt đỏ tươi đang tìm đường thoát đầy vẻ thích thú. Ngây thơ và thành khẩn, Na mỉm cười nhe cái răng sún thiệt là dễ thương:

Cho Na nhen!

Bo nhăn mặt:

Hổng được. Khó lắm anh Bo mới bắt được nó mà!

Na trề môi, hứ lên một tiếng “hổng thèm” rồi tuột xuống phản định chạy đi. Hốt hoảng, Bo cuống quýt chạy theo, vừa hét:

Ừ! Cho Na đó, chút nữa anh bắt con khác cũng được.

Trước cái vẻ lo lắng lẫn tiếc rẻ, Na bật cười như nắc nẻ khiến Bo càng trở nên bối rối. Không để Bo nói thêm, Na mở lời trước:

Thôi hai đứa chơi chung hén!

Rồi, Na chạy vào lục bộ đồ thêu của mẹ cắt lấy một đoạn chỉ ngắn. Hai đứa hí hoáy cột sợi chỉ đỏ vào đuôi con chuồn chuồn, đem ra sân chơi. Vuột tay, con chuồn chuồn bay vút lên trời trước đôi mắt ngẩn ngơ nuối tiếc nhìn theo. Hoà chung đàn chuồn chuồn bay dưới nắng chiều, con chuồn chuồn mang sợi chỉ đỏ lượn lờ trong không trung rồi thi thoảng vút lên một tia chấp chới như rạch không gian thành những khối vô hình. Trên nền đất in rõ muôn vàn cái bóng bé xíu xiu chuyển động không ngừng.

Nhìn hai đứa cháu nhởn nhơ chơi đùa trước sân, ánh mắt bà sáng lên một niềm vui lạ, có gì đó giông giống hai đứa trẻ thơ với ánh mắt biết cười, hoà chung sắc rực rỡ như màu nắng lung linh.”

Chợt có hơi lạnh ở đâu phả vào mặt Na từng cơn nhè nhẹ. Không gian lung linh kia cứ nhoà dần, nhoà dần như có một màn sương huyền ảo. Choàng tỉnh. Thì ra giấc mơ tuổi thơ lại trở về.

Anh Bo chuyển nhà đã năm năm nay, nhưng kỉ niệm có anh vẫn hiện về nguyên vẹn trong kí ức. Không hiểu tại sao, với Na, niềm tin một ngày hội ngộ luôn chan chứa như năm nào. Dẫu cánh chuồn chuồn ngày xưa đã vụt bay mãi mãi nhưng có lẽ trong anh và Na vẫn hướng về đôi cánh mỏng manh chở đầy vạt nắng ấy. Và, thấp thoáng ngoài sân, dường như một chú chuồn chuồn ớt với sợi chỉ đỏ đang vút lên cao, chở theo chở theo cả những ước mơ, niềm tin và hi vọng.

Ở góc sân, dưới giàn mướp đơm bông, hai đứa trẻ đang chơi đồ hàng, ngước mắt nhìn lên trời cao chấp chới cánh chuồn chuồn nhuộm vàng nắng… bay cao… bay xa…

NGUYỄN THỊ LY LY

NẮNG MÙA ĐÔNG

… Đông về, trời se se lạnh những hạt mưa li ti rơi như những hạt bụi không đủ làm người ta ướt nhưng cũng đủ làm rét cóng người… Nó quấn lấy chiếc mền mà cọ vào người như mèo con trú đông. Nó nghĩ “Có trời cũng chưa chắc đã kéo mình ra khỏi chiếc mền thân yêu này…”. Rồi nó loáng thoáng nghe tiếng vọng dưới nhà:

“Má nói với em là con đi đây”

Nó lắng nghe, chợt nhớ ra và thấy lòng buồn buồn. “Anh hai đi thiệt rồi” nó nghĩ như vậy và nhẹ nhàng chạy xuống cầu thang. Nhưng nó chỉ thấy được sau lưng anh với những làn mưa nho nhỏ thôi.

Ngồi thừ ở đó, nó nhìn những bụi mưa bám vào áo anh như những viên pha lê trong suốt, mảnh mai. Nó nhớ về tuổi thơ của nó gắn chặt với phía sau lưng anh. Nó luôn chạy sau anh đùa nghịch, trốn tìm… lém lỉnh nó chờ anh sơ hở là hù, là chọc để rồi cười thật lớn. Nhưng cũng chính phía sau lưng ấy đã chở che cho nó mỗi lần bị má đánh, sợ điều gì nó lại núp sau lưng anh như một phản xạ… Anh thường hay cõng nó trên lưng, chọc nó cười khi nó bị đau. Nó không đẹp nhưng anh lại bảo thích nhìn nó cười bởi đơn giản nó là em gái của anh.

Rồi thời gian thấm thoắt trôi qua, cả anh và nó đều qua rồi cái tuổi thơ kia, hết rồi những trò chơi trốn tìm, những lần núp trốn. Và chính phía sau lưng ấy lại chở nó đi dọc đường phố chỉ để nó khỏi buồn vì những điểm kém hay giận hờn bạn bè vu vơ. Vậy mà chẳng bao giờ nó làm gì cho anh dù chỉ là một câu nói “em thương anh nhất nhà”. Bởi nó cảm thấy sao mà ngượng, mà sến đến thế. Vả chàng là anh em một nhà đâu cần như vậy. Thế nhưng lần anh về nhà nghỉ tết nó đã nói rồi đó, anh ngạc nhiên và cười. Nó nhìn anh cười thấy lòng mình cũng nhẹ theo, nhìn anh nó lại thầm nghĩ đến cái răng khểnh đôi mắt to sâu và trong đó nó không hiểu nổi chính nó nữa. Đôi lúc nó thầm ghen tỵ những nét đẹp nơi anh. Nó luôn nói với anh rằng tại sao anh lại ra đời trước nó rồi dành hết những nét đẹp của ba má kia chứ. Vậy mà anh không giận lại bật cười nói những câu quen thuộc mà nó luôn hờn như mới nghe lần đầu:

Tất nhiên rồi, tui phải đẹp chớ! Nhưng lớn lên tui sẽ kiếm thật nhiều tiền cho cô đi “thẩm mỹ viện” toàn bộ luôn, chịu hông?

Trời sao nó ghét câu nói đó đến thế, rõ ràng là chê nó xấu. Nó bực bội, hậm hực bỏ cơm, không nói chuyện với ai cả. Dường như anh biết lời nói đó làm nó buồn, anh nhìn nó trìu mến và hối lỗi:

- “Anh xin lỗi anh đâu cố ý. Em là đẹp nhất rồi. Em là em của anh mà. Em đẹp thì anh mới đẹp lây chớ. Thôi, ăn đi!

Giận nhiều lắm nhưng trẻ con cứ hay thích làm nũng, giận hờn rồi lại quên ngay. Nó khẽ mỉm cười và đi sau anh. Rồi cũng phía sau lưng đó đã giận dỗi khi nó nói lớn với anh về những ước mơ của anh, nó cho là tầm thường. Nó bảo anh không tốt vì cứ muốn xa gia đình mãi… Nó biết mình sai bởi nó không muốn phải xa anh, nó sợ thành phố ồn ào kia sẽ cuốn lấy anh, anh sẽ không về với vùng gió biển này nữa, nó muốn gia đình nó mãi như ngày xưa…

Nó nói thế mà không biết anh buồn, nó thấy anh im lặng rồi quay mặt đi bước ra cửa. Lúc đó nó mới hiểu ra và ước gì anh quay lại la mắng hay tát nó một cái còn hơn là sự im lặng kéo dài nơi anh. Nó sợ điều đó…

Ngoài trời mưa vẫn rơi nhưng mỗi lúc một lớn hơn, mạnh hơn. Nó ngồi đó nhìn ra phía trước thấy lòng nặng hơn… mưa vẫn cứ rơi… rơi như hối hả ai đó… và nó bỗng đứng phắt dậy, vớ nhanh lấy áo mưa và chạy ra phía cửa. Nó chạy thật nhanh, nhanh nữa, nó sợ những hạt mưa sẽ làm anh của nó đau và nhất là nó sợ sẽ không kịp nói với anh lời xin lỗi… nhưng sao nó tìm hoài mà đâu thấy anh. Hay là muộn rồi… có lẽ nào nó không kịp nói lời xin lỗi với anh. Nó đứng thừ ở đó nhìn phố xá đang cựa mình trong cơn mưa. Mọi người chạy nhanh vào những mái hiên trú mưa, còn nó thì đứng ở đó không buồn nhìn mình nữa, nó nghĩ đã quá muộn rồi… nó buồn nhưng bất ngờ có bàn tay kéo nhanh nó lại và nói:

Đi đâu đây? Chạy nhanh, không thấy mưa à, lỡ bị đau thì sao?

Nó nhận ra giong nói thân thuộc của anh và thấy lòng vui như trẻ nhỏ, nó thấy mình và anh như nhỏ lại cơn mưa bây giờ chẳng qua là trò chơi chạy dưới mưa của anh em nó mà thôi… thật vui… Rồi nó bất giác trở về, nó nói nhanh như sợ anh sẽ đi ngay bây giờ:

Anh hai, em xin lỗi. Anh đừng giận em nghe. Anh đi rồi lại về nha. Đừng buồn em.

Nó đưa áo mưa cho anh. Anh cười. Giờ phút này nó cảm thấy nụ cười ấy thật đẹp và thân thiết quá. Nó thấy sống mũi cay cay khi anh choàng chiếc áo mưa và nói:

Em của anh lớn rồi. Nhưng anh không muốn lần sau về thấy em của mình ốm đâu. Anh hứa, anh sẽ về”.

Hình như chưa bao giờ nó làm gì được cho anh cả lần này cũng vậy, nhưng giờ sao nó thấy nhẹ nhõm, vui đến thế…

… Bíp, bíp. Anh lên xe. Nó đứng đó nhìn nụ cười rạng ngời của anh cùng những tiếng nói thân thương: “Nhớ viết thư cho anh, anh sẽ về…”. Chiếc xe dần chuyển bánh, lăn đều dưới mưa. Rồi xa dần… Nó đứng đó và thầm nghĩ: “Sau cơn mưa trời lại sáng thôi, phải không anh?”.

LÃNH ĐẶNG THU NGA

CHIẾC BÌNH

Tôi đã từng nghe một câu chuyện kể thế này: có hai người yêu nhau, họ đã vượt qua bao gian khổ để đến với nhau nhưng vì công việc người con trai phải đi xa, trước lúc đi chàng trai có trao cho cô gái một chiếc bình quý chứa những phần quan trọng nhất của cuộc đời, chiếc bình anh trao cho người yêu có một mảnh ghép hình với hi vọng khi anh trở về cô sẽ ở bên anh và làm cho bức tranh cuộc đời anh trở nên hoàn chỉnh. Có lẽ trong chúng ta ai cũng vậy, cuộc sống không chỉ do chính mình quyết định, cuộc sống còn do những người quanh ta tạo nên. Nhiều lúc tự hỏi mình sẽ sống như thế nào, sẽ làm gì, sẽ tồn tại ra sao lúc chẳng có ai bên mình? Có lẽ tôi sẽ tự do trong mọi quyết định, không bị ai trách móc, không bị ai thương hại lúc thất bại. Có lẽ là vậy, nhưng chỉ là có lẽ thôi bởi tôi chợt nhận ra rằng nếu vậy ai sẽ nâng tôi dậy lúc tôi ngã, ai chúc mừng , cổ vũ lúc tôi thành công, ai sẽ là người nghe tôi tâm sự những lúc tôi buồn. Tôi biết rằng cuộc đời mình là một mảnh ghép của cuộc sống, tôi biết rằng tôi chỉ là một mảnh ghép trong cuộc đời mình. Tim tôi nói rằng cuộc sống của tôi có mảnh ghép là đôi bàn tay mẹ, là viên phấn của thầy, là nụ cười của bạn. Mắt tôi nói rằng nó muốn cuộc đời của tôi có nhiều màu, màu trắng của bức thư gửi từ phương xa, màu xanh của lá cây ngoài sân trường, màu của hoa đào, hoa mai nở khi nàng xuân tha thướt đến. Tôi sẽ nhặt tất cả những mảnh ghép cất vào chiếc bình quý để lại một khoảng lặng trong tim, một khoảng lặng đầy hoa và nắng.

NGỌC DIỄM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét